Sergey Gorshkov-người đặt nền móng cho hai lực lượng hải quân

Vừa qua, Hải quân Nga đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đô đốc Sergey Gorshkov (26-2-1910 /13-5-1988). Ông là người đã đưa hải quân Liên Xô trở thành thế lực đáng gờm thời chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, lễ kỷ niệm ngày sinh của ông còn được tổ chức tại Đại sứ quán Ấn Độ ở Moscow. Đó là do Sergey Gorshkov cũng đã có công lớn trong việc đưa quốc gia Nam Á này trở thành cường quốc biển ở Ấn Độ Dương.

Vị tư lệnh dạn dày trận mạc

Sergey Gorshkov sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo tại Kamenets-Podolsky, Ukraine ngày nay. Năm 1927, ông tình nguyện gia nhập Hải quân Liên Xô và được cử đi học chuyên ngành hoa tiêu tại Học viện hải quân Frunze. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1931, ông phục vụ trong Hạm đội biển Đen. Năm 1937, Sergey Gorshkov được điều chuyển sang chỉ huy một biên đội tàu khu trục thuộc hạm đội Thái Bình Dương, trong lúc cuộc xung đột biên giới giữa Liên Xô với Nhật đang diễn ra. Tới năm 1940, ông quay về Hạm đội Biển Đen.

Tháng 4-1941, Sergey Gorshkov tốt nghiệp khóa sĩ quan chỉ huy cao cấp, chỉ 2 tháng trước khi Đức tấn công Liên Xô. Từ ngày 8-8 đến 16-10-1941, Sergey Gorshkov chỉ huy một biên đội tàu tuần dương, tham gia trận phòng thủ thành phố Odessa. Trong 73 ngày, Hạm đội biển Đen vừa chiến đấu, vừa hỗ trợ di tản hàng chục nghìn dân thường. Tuy mất Odessa, nỗ lực của Hồng quân đã cầm chân 18 sư đoàn địch, ảnh hưởng lớn đến đà tiến công của phát xít Đức.

Đô đốc Sergey Gorshkov, ảnh chụp năm 1985 (Ảnh: mil.ru)

Những năm tiếp theo, Sergey Gorshkov chỉ huy phần còn lại của Hạm đội biển Đen cùng các đội giang thuyền, hỗ trợ cuộc phản công của Hồng quân ở mặt trận phía Nam châu Âu. Sau chiến tranh, ông được thăng chức Tham mưu trưởng vào năm 1948, sau đó lên làm Tư lệnh Hạm đội Biển Đen vào năm 1951. Đầu năm 1956, ông nhậm chức Tổng tư lệnh, kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi chưa đầy 46 tuổi, người trẻ nhất trong lịch sử Liên Xô (trước kia) và Nga nhận chức vụ chỉ huy cao nhất của hải quân.

“Kiến trúc sư” của hải quân Liên Xô hiện đại

Do Liên Xô có diện tích lớn nhất và cũng có đường bờ biển dài nhất, hải quân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ đất nước. Theo Sergey Gorshkov, hải quân là tuyến đầu đối mặt với phương Tây. Khi có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng rộng, lực lượng này còn là công cụ chính trị, ngoại giao đắc lực.

Tại thời điểm Sergey Gorshkov nhậm chức, hải quân Liên Xô vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau chiến tranh Vệ quốc. Tư duy chú trọng lục quân của đa số tướng lĩnh cũng khiến hải quân bị bó hẹp trong vai trò hỗ trợ. Nhưng tính đến năm 1970, lực lượng này đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới với 2 tàu sân bay, hàng trăm tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay.

Từ cuối những năm 1950, Sergey Gorshkov chủ trương xây dựng học thuyết tác chiến hải quân xoay quanh các loại tên lửa chống hạm, vũ khí mới nhất khi đó. Đòn đánh tầm xa bằng vũ khí này từ trên không, trên mặt nước lẫn từ dưới nước sẽ áp đảo mọi lớp phòng ngự của hải quân phương Tây. Tính bí mật của tàu ngầm và tốc độ của không quân là những công cụ răn đe phi đối xứng hiệu quả nhất.

Một biên đội tàu chiến của hải quân Liên Xô, ảnh chụp năm 1985 (Ảnh: Soviet Navy).

Cho tới nay, đây vẫn là học thuyết được hải quân Nga cùng nhiều nước khác áp dụng, trong khi Mỹ vẫn chưa tìm ra phương án đối phó hiệu quả. Elmo Zumwalt, Đô đốc hải quân Mỹ giai đoạn 1970-1974 cho rằng, Sergey Gorshkov là vị tư lệnh hải quân tài ba nhất thời hiện đại.

Quan hệ khăng khít Liên Xô-Ấn Độ

Từ những năm 1960, Ấn Độ bắt tay vào hiện đại hóa lực lượng vũ trang lạc hậu của mình trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh với các nước láng giềng ngày càng gia tăng. Không những thế, Ấn Độ có vị trí địa chính trị quan trọng do có 2 mặt giáp Ấn Độ Dương rộng lớn, nằm trên tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng hải quân. Tuy nhiên, phương Tây lại chọn hợp tác với Pakistan-đối thủ của Ấn Độ và các nước Trung Đông, khiến New Delhi ngả về phía Moscow.

Trong giai đoạn cuối những năm 1960, đầu thập niên 1970, Liên Xô đã giúp Ấn Độ phát triển mạnh các đội tàu chiến, tàu ngầm. Hàng loạt sĩ quan được cử đi học tại Liên Xô, bên cạnh các chuyên gia Liên Xô sang giúp Ấn Độ xây dựng ngành đóng tàu hải quân.

Đêm 4-12-1971 ngoài khơi thành phố Karachi (Pakistan), 3 tàu tên lửa Ấn Độ đã tiêu diệt 2 tàu khu trục, 1 tàu vận tải và 1 tàu quét mìn của Pakistan mà không chịu thiệt hại nào. Ngày 4-12 sau đó được chọn làm ngày lễ chính thức của hải quân Ấn Độ.

Tàu tên lửa đề án 205 “Osa”, loại tàu được hải quân Ấn Độ sử dụng trong chiến thắng đêm 4-12-1971. (Ảnh: Wikipedia).

Quyết sách định hình nên một cường quốc biển

Nhờ mối quan hệ với Liên Xô, hải quân Ấn Độ vươn lên trở thành lực lượng đứng đầu khu vực Ấn Độ Dương. Hoc thuyết tác chiến trên biển của Ấn Độ cũng được xây dựng dựa trên chiến lược và tư duy của người Nga. Cho đến nay, 2 thế hệ sĩ quan hải quân Ấn Độ đã được đào tạo về vận hành vũ khí, trang bị của Liên Xô (trước kia) và Nga.

Sergey Gorshkov là nhân vật đóng vai trò then chốt khơi nguồn và củng cố sự hợp tác này. Suốt 29 năm tại chức, ông đã nhiều lần đến thăm Ấn Độ. Ông thiết lập quan hệ thân thiết với nhiều tướng lĩnh nước bạn, liên lạc trực tiếp với họ thay vì thông qua các kênh ngoại giao.

Quan trọng hơn cả, Sergey Gorshkov đã có quyết sách khiến ông được coi là “cha đẻ” của hải quân Ấn Độ hiện đại. Năm 1985, ngay trước khi về hưu, ông đã thuyết phục Bộ Chính trị Liên Xô thông qua chiến lược giúp đỡ Ấn Độ xây dựng lực lượng hạt nhân dưới biển, bằng cách cho nước này thuê 1 tàu ngầm thuộc đề án 670. Tàu được chuyển giao vào năm 1988 dưới tên gọi mới INS Chakra. Sau 3 năm hoạt động, INS Chakra đã đem lại cho người Ấn Độ những kinh nghiệm đầu tiên về cấu tạo và cách thức vận hành tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm đề án 971 số hiệu K-152, tàu ngầm mang tên INS Chakra thứ 2 phục vụ trong hải quân Ấn Độ. (Ảnh: ajaishukla.blogspot.com)

Động thái chuyển giao một vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân cho nước khác là chưa từng có tiền lệ, khẳng định sự tin tưởng lẫn nhau. Thông qua INS Chakra, New Delhi có được nền tảng cho lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nội địa Arihant. Dự án được khởi động trong thập niên 1990, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga. INS Arihant, tàu đầu tiên của dự án này được hạ thủy vào năm 2009, đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 6 có đủ bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược.

Song song với việc đóng tàu trong nước, năm 2008, Ấn Độ thuê tiếp của Nga 1 tàu ngầm tiên tiến hơn thuộc đề án 971, với thời hạn 10 năm. Thủy thủ đoàn Ấn Độ đã sang Nga để học cách vận hành tàu, sau đó tự thực hiện chuyến hải trình từ Nga về Ấn Độ vào tháng 4-2012. Vẫn mang tên INS Chakra, tàu không chỉ làm nhiệm vụ trực chiến, mà còn là nền tảng thiết yếu giúp hải quân Ấn Độ đào tạo nhân lực cho các tàu lớp Arihant.

Tàu ngầm INS Arihant sau khi thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên năm 2018 (Ảnh: defpost.com)

Năm 2019, New Delhi tiếp tục ký với Moscow hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để thuê thêm 1 tàu ngầm đề án 971 trong 10 năm. Dự kiến năm 2025, tàu sẽ được chuyển giao và tiếp tục mang tên INS Chakra, thể hiện sự tiếp nối quan hệ truyền thống đặc biệt Nga-Ấn Độ mà Sergey Gorshkov đặt nền móng.

Năm 2014, hải quân Ấn Độ chính thức đưa vào biên chế tàu sân bay INS Vikramaditya. Tàu từng phục vụ trong hải quân Liên Xô từ năm 1987-1991, sau đó là hải quân Nga cho tới năm 1996. Tàu đã được hiện đại hóa sâu và sẽ đóng vai trò soái hạm của hải quân Ấn Độ trong nhiều năm tới. Khi còn trong biên chế hải quân Nga, con tàu này mang tên “Đô đốc Gorshkov”.

ĐĂNG SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/sergey-gorshkov-nguoi-dat-nen-mong-cho-hai-luc-luong-hai-quan-612126