Séc không có lợi nếu rời nhóm V4

Trong bài đăng trên báo Pravo (Séc) chuyên gia về các vấn đề quốc tế Lukas Jelinek cho rằng CH Séc không có lợi nếu rời nhóm Visegrad (V4).

Rời V4 có thể sẽ là quyết định không có lợi cho Séc.

Trong bài đăng trên báo Pravo (Séc) chuyên gia về các vấn đề quốc tế Lukas Jelinek cho rằng CH Séc không có lợi nếu rời nhóm Visegrad (V4).

Bài báo viết: “Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 đa số những người tham gia phản đối việc tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch bắt buộc của EU. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp khiến kết quả này “không có giá trị”.

Nhiều nhà phân tích của Séc cho rằng Praha không thuộc về nhóm V4 do có sự khác biệt về xu hướng chính trị so với các Chính phủ cánh hữu ở Hungary, Ba Lan và Chính phủ Slovakia theo đường lối dân túy.

Tuy nhiên, mục tiêu hình thành một liên minh có tiếng nói trong EU đã liên kết Séc với 3 quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ ở Đông Âu dù chính sách giải quyết vấn đề nhập cư của Chính phủ trung tả của Thủ tướng Bohuslav Sobotka có xu hướng “thực dụng” hơn.

Tuần trước Tổng thống Milos Zeman cho rằng người di cư vì mục đích kinh tế ở châu Âu nên bị trục xuất và đưa đến các đảo hoang ở Hy Lạp, trong khi Phó Thủ tướng Andrej Babis ủng hộ việc xây dựng các trại tị nạn tại Bắc Phi.

V4 không phải là một dự án ngắn hạn dễ bị thất bại khi sự hợp tác giữa Séc với 3 nước thành viên còn lại nảy sinh vấn đề. Khi cố Tổng thống Séc Vaclav Havel, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa và cố Thủ tướng Hungary Jozsef Antall gặp nhau năm 1991, những người này nhận thức rõ rằng nền tảng của việc hình thành liên minh giữa ba nước không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm quy chế thành viên của EU và NATO.

Các quốc gia này chia sẻ giai đoạn lịch sử đầy biến động của thế kỷ XX với việc trở thành thành viên của khối XHCN Đông Âu và do đó có sự tương đồng trong nhiều lĩnh vực. Việc nằm trong không gian địa chính trị giữa Đức và Nga cũng khiến Séc, Ba Lan và Hungary phải đối mặt với nhiều thách thức.

Quyết định thành lập nhóm V4 dựa trên thực tế giới lãnh đạo chính trị ở các nước thành viên hiểu biết nhau và chia sẻ mong muốn áp dụng các nguyên tắc dân chủ. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhóm V4 cũng dựa trên nhiều lý do “thực dụng” khác.

Cuộc khủng hoảng nội bộ EU hiện nay có khả năng sẽ dẫn tới việc hình thành các nhóm nước riêng rẽ trong Liên minh châu Âu trong khi đó gần 13% dân số EU đang sinh sống tại các nước V4.

Hungary, Ba Lan, Slovakia và CH Séc đã và đang hợp tác trong việc xây dựng lực lượng quốc phòng chung và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối khu vực Trung Âu. Quỹ của nhóm Visegrad cũng đang tài trợ cho nhiều dự án văn hóa và giáo dục của các nước thành viên.

Nếu V4 tan rã thì căng thẳng giữa Nga và Ba Lan sẽ gia tăng và Thủ tướng Hungary Orban có thể sẽ tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cả hai viễn cảnh này đều không có lợi cho CH Séc.

Hơn nữa, nguy cơ bất đồng giữa các nước thành viên EU ở Đông Âu vớ Đức cũng sẽ tác động tiêu cực tới Praha. Hiện Séc đã và đang hưởng lợi từ việc đóng vai trò cầu nối giữa các nước thành viên cũ và mới của Liên minh châu Âu.

Giới lãnh đạo chính trị ở Hungary, Ba Lan và Slovakia cũng như Séc rồi sẽ thay đổi. Nhưng nếu V4 tan rã thì việc lập lại nhóm này là rất khó. Trong giai đoạn Thủ tướng Vaclav Klaus, người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cầm quyền ở Séc từ 1992-1998, nhóm V4 không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Séc. Mặc dù vậy, nhóm V4 vẫn không bị xóa bỏ.

V4 có cấu trúc linh hoạt. Các nước thành viên có thể hợp tác trong lĩnh vực này và không hợp tác trong lĩnh vực khác. Vì vậy, Séc nên có chính sách đối ngoại riêng biệt và năng động, tuy nhiên cần phải gìn giữ được di sản của các lãnh đạo tiền nhiệm Havel, Walesa và Antall”.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/sec-khong-co-loi-neu-roi-nhom-v4-20161006143549213.htm