Sẽ xây dựng TPHCM trở thành “Thành phố thông minh”

Tại phiên họp đầu tiên của Ban điều hành đề án đô thị thông minh diễn ra vào chiều 9/9, lãnh đạo TP HCM đã lắng nghe lộ trình xây dựng đề án do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình bày.

Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, dự kiến đến khoảng 15/12 năm nay, đề án đô thị thông minh sẽ được hoàn thành và trình lên UBND TP HCM duyệt và công bố.

Theo lộ trình xây dựng đề án mà lãnh đạo Sở TT&TT báo cáo, từ nay đến ngày 15/10, TP sẽ tiến hành khảo sát lãnh đạo về định hướng phát triển đô thị thông minh TP HCM với 3 câu hỏi về đánh giá hiện trạng các lĩnh vực của đô thị thông minh đáng chú trọng của TP; đánh giá về độ ưu tiên các mục tiêu mà đô thị thông minh TP HCM cần đạt được và đánh giá về các nguyên tắc thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, với đặc thù của TP HCM, giao thông phải là lĩnh vực ưu tiên số 1, sau đó phải kể đến lĩnh vực môi trường hay y tế, ngập nước, an nình trật tự.

Ông Lê Thái Hỷ trình bày lộ trình xây dựng đề án TP thông minh. Ảnh: Tuổi trẻ.

Được biết, đến ngày 21/11, đề án dự thảo lần 1 sẽ được đưa ra để người dân, hội đồng tư vấn, doanh nghiệp, các hội tiến hành góp ý.

Báo Chính phủ cho biết, theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM, việc xây dựng TP HCM trở thành “Thành phố thông minh” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng môi trường sống và chất lượng phục vụ người dân; đặc biệt là tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động của chính quyền TP.

Trong đó nhấn mạnh mục tiêu chung là đến năm 2025 phấn đấu xây dựng TP HCM là một trong những trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu khu vực.

Trước mắt, TP HCM ưu tiên triển khai việc tổ chức tích hợp toàn bộ dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin sẵn có của từng sở ngành, địa phương vào một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực. TP HCM cũng sẽ ký kết hợp tác, tạo điều kiện để VNPT cùng tham gia xây dựng đề án.

Trong buổi làm việc trước đó diễn ra vào hồi tháng 7 để bàn về đề án này, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long đã đưa ra đề xuất, quá trình thực hiện đề án “Thành phố thông minh” tại TP HCM cần chia làm hai giai đoạn.

Theo đó, trong 5 năm đầu tiên cần tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… nhằm đưa ra những giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như kẹt xe, ngập nước…

Giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước là vấn đề được người dân TP HCM quan tâm.

Trong những năm tiếp theo, tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP để lựa chọn các lĩnh vực khác, ưu tiên đầu tư thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP HCM, việc xây dựng đề án “Thành phố thông minh” sẽ được chính quyền TP tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Phần chính của Đề cương Đề án HCMC Smart City (2017 - 2020, tầm nhìn 2025) là phần Khung đô thị thông minh, với các vấn đề tổng quát lần lượt gồm: Chính quyền điện tử, Quy hoạch, Giao thông, Y tế và dịch vụ cho con người, An ninh công cộng, Nước và nước thải, Xây dựng, Môi trường (chất thải, không khí...), Năng lượng, Giáo dục đào tạo, Thanh toán và Tài chính, Nông nghiệp, Truyền thông…

BẢO KHÁNH (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/se-xay-dung-tphcm-tro-thanh-thanh-pho-thong-minh-a161509.html