Sẽ tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp!

Khẳng định thuế, phí còn cao, không chỉ liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn..., Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "năm 2017 sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp".

Doanh nghiệp phải "đi đêm, chung chi"

Sáng nay, 17/5, trong tham luận "Các chi phí của doanh nghiệp" tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Nguyễn Văn Thân cho biết, DN còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.

Theo đó, về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện.

Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Về các nguyên nhân, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ.

Do đó, DN phải "đi đêm", "chung chi", theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. DN hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.

Từ phía DN, một bộ phận DN nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của DN, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.

Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.

Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Từ tình hình trên, Hiệp hội xin kiến nghị, về phía DN cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…

Hiệp hội mong muốn các tập đoàn, DN lớn, DN FDI hỗ trợ, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ… để các DN nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đề nghị có giải pháp tăng cương kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời các cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là đạo luật quan trọng, trong đó đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội.

Hiện nước ta đang tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,7 triệu hộ có đăng ký và 77% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đi lên từ hộ kinh doanh. Nên các hộ kinh doanh cần được đối xử bình đẳng như với DN nhỏ và vừa. Muốn hộ kinh doanh chuyển thành DN, phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để họ thấy việc chuyển đổi có lợi ích lâu dài. Hiêp hội đề nghị Thủ tướng giao Hiệp hội phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành DN.

Trong hai năm qua, Chính phủ đã triển khai hàng chục chương trình hỗ trợ DN, nhưng còn thiếu tính liên kết. Hiệp hội đề nghị cần chuyển giao việc thực hiện một số dịch vụ công cho các hiệp hội, qua đó giảm chi phí cho DN, giảm chi tiêu ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực của của các hiệp hội.

"Cuối cùng, nguồn lực trong dân hiện rất lớn, đề nghị có chính sách, giải pháp đột phá để huy động nguồn lực này, tinh thần là vay dân còn hơn đi vay chỗ khác. Hiệp hội tin tưởng rằng tới năm 2020, chúng ta sẽ đạt mục tiêu, kế hoạch kinh tế-xã hội đã đề ra, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng DN" - ông Thân nhấn mạnh.

Tiếp tục giảm phí cho doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị

Trong phần kết luận của mình, liên quan đến vấn đề phí của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đầu tiên, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một Chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13h chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây".

Thông tin này đã khiến cả hội trường vỗ tay vang dội.

Thủ tướng nói tiếp:

“Việc thứ hai, tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Những quan điểm chính như vậy đã được thể hiện.

Như ban hành 50 nghị định, nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện đầu tư kinh doanh được triển khai bằng Nghị quyết 19 và những cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mô hình hành chính công của nhiều địa phương, giảm thiểu thời gian đi lại, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Các tỉnh, địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công: Đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm. Cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.

Thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được.

Thuế phí cao cho doanh nghiệp là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và sẽ có một chương trình hành động cụ thể sau.

Thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số chuẩn mực còn gây khó khăn cho DN, vì vậy có hiện tượng "cò" làm dịch vụ cấp thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thuê đất còn cao, giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn, vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền, chưa sát sao và nắm bắt chính xác các vấn đề doanh nghiệp cần hỗ trợ. Các cơ quan, các bộ phận cán bộ chưa nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời".

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Xử nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp

Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp; Đặc biệt nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh,... Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách; chống tiêu cực, ngăn chặn các quan hệ “sân sau” thao túng chính sách để trục lợi...

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201705/thu-tuong-chi-phi-doanh-nghiep-cao-con-lien-quan-den-bot-boi-tron-567699/