Sẽ tái cơ cấu ngành Than

Những người đã nghỉ hưu cũng như những người đang đảm đương công việc của ngành Than trong cả nước đang háo hức hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2016). Trong niềm vui ấy, vẫn có chút buồn thoảng qua khi vài năm trở lại đây ngành Than gặp khó. Đó là lý do ngành Than sẽ tái cơ cấu.

Hội diễn văn nghệ ngành Than. Ảnh: TL

Nguồn than lộ thiên ngày càng cạn, do vậy cần phải đầu tư lớn để khai thác than ở tầng dưới mặt nước biển. Để giảm chi phí cho giá thành, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có văn bản đề nghị giảm thuế tài nguyên cho hai mặt hàng than với mức thuế là 10% và 12% xuống mức thấp hơn.

TKV đề nghị thuế tài nguyên đối với than hầm lò là 5% và với than lộ thiên là 7%, không tính phí môi trường trong quá trình khai thác. Trong khi lượng than tồn kho là rất lớn, thế nhưng, Bộ Tài chính đã có văn bản từ chối giảm thuế tài nguyên cho ngành Than mà TKV đề nghị. Bộ này cho rằng, để gỡ khó cho tồn kho của ngành Than, cách tốt nhất là tăng sản lượng xuất khẩu cho TKV.

Theo kế hoạch xuất khẩu đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2017 - 2019, sẽ cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn than, nhằm cân đối nguồn cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khi đi vào vận hành. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, các đơn vị hiện đang tiêu thụ lượng than lớn đã nhập than từ Úc, Nga, Indonesia, Trung Quốc với giá rẻ hơn khiến lượng than tồn kho trong nước 9 tháng đầu năm nay khoảng 9,7 triệu tấn, tương đương với lượng than nhập từ nước ngoài về.

Theo ông Lê Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn TKV, đứng trước khó khăn do tiêu thụ và thực hiện tái cơ cấu tập đoàn trong năm 2016, TKV yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiết giảm thêm 3.600 lao động chủ yếu làm công tác quản lý, phục vụ và phụ trợ. Trước đó, trong năm 2015, ngành Than đã giảm 5.656 lao động.

Hiện ngành Than đang mất cân đối: Thừa thầy, thiếu thợ. Số lao động dôi dư chủ yếu lại nằm ở khối văn phòng của các đơn vị, trong khi số thợ mỏ trực tiếp vào hầm lò lại thiếu trầm trọng. Sở dĩ có tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trực tiếp là do thời gian qua các vụ tai nạn hầm lò đã gây sang chấn đối với lớp thanh niên trẻ có nguyện vọng học nghề thợ mỏ.

Đành rằng, ngành Than đã tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình để tuyển dụng, đào tạo cũng như bố trí công việc phù hợp từng địa bàn, địa phương mà người thợ mỏ yêu cầu. Thực tế, công tác tuyển dụng và đào tạo hàng năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Mặt khác, thời gian gần đây giá than nhập khẩu thấp hơn giá bán trong nước nên các nhà máy điện, xi măng… giảm sản lượng mua từ TKV nên lượng tồn kho tăng, trong khi lượng than xuất khẩu theo kế hoạch tính cho giai đoạn 2017 - 2019 là 2 triệu tấn/năm.

Bất cập khác, trong khi mặt bằng chung giá than thế giới giảm, thì các loại thuế, phí than trong nước lại tăng, chiếm khoảng 15% giá thành. Đó là lý do TKV đã gửi văn bản kiến nghị xem xét giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên đối với sản phẩm than nói riêng bằng mức các nước trong khu vực. Cụ thể, than hầm lò 5%, than lộ thiên 7%, không tính phí môi trường trên cả đất đá thải ra trong quá trình khai thác.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, địa bàn có tỷ trọng than lớn nhất của cả nước cũng đã có nhiều cố gắng, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành Than: Như xem xét để miễn giấy chứng nhận đầu tư trong hồ sơ thuê đất, gia hạn thuê đất đối với các dự án khai thác trước đây nay hết hạn thuê đất hoặc có mở rộng sản xuất, xây dựng lịch cụ thể đến từng doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, hoàn tất thủ tục thuê đất…

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm cả than Antraxit và than nhiệt năng. Bộ Công thương đã công bố điều chỉnh Quy hoạch Phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Than đến năm 2030 khoảng 269.000 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng... được thu xếp từ các nguồn tự có, vốn vay thương mại, vay ưu đãi và huy động qua các kênh chứng khoán...

Quan điểm của Bộ Công thương là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, quy hoạch nêu rõ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Với phương án tái cơ cấu ngành Than nêu trên, ngành Than sẽ vượt khó, tiếp tục khẳng định vai trò vị thế của mình trong đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam mà những người thợ mỏ ngành Than là tiên phong.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/se-tai-co-cau-nganh-than_t114c1067n111578