Sẽ kiểm tra về môi trường ở nhiều khu chung cư, đô thị lớn của Hà Nội

Trong số hơn 390 đơn vị, tổ chức nằm trong kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo Quyết định đã được phê duyệt của UBND Thành phố, có nhiều khu đô thị, khu chung cư lớn...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra 392 đơn vị, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý trong số 392 đơn vị, tổ chức thuộc kế hoạch thanh kiểm tra, có nhiều dự án khu đô thị. Ví dụ như: Khu đô thị mới Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng); Khu chức năng đô thị thành phố xanh (quận Nam Từ Liêm); Dự án liền kề Hibrand Văn Phú (quận Hà Đông); Khu đô thị Parkcity Hanoi và trạm xử lý nước thải Parkcity (quận Hà Đông);

Ngoài ra, trong danh sách còn có chung cư The Emerald Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); Dự án chung cư Tecco Garden (huyện Thanh Trì); Nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp- Thanh Trì; Tổ hợp khu thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ Imperial Plaza (quận Thanh Xuân); Dự án Mipec Rubik (quận Cầu Giấy); Chung cư Intracom Riverside (huyện Đông Anh); Tổ hợp chung cư Sky Park Residence (quận Cầu Giấy); Chung cư Ires Garden tại 30 Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm); Chung cư BID Residence (quận Hà Đông); Chung cư Seasons Avenue (quận Hà Đông); Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại THT New City (huyện Hoài Đức); Dự án Mipec Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm); Dự án Roman Plaza (quận Nam Từ Liêm)...

Mục tiêu của kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các vị phạm; kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Hoạt động kiểm tra, thanh tra đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hướng dẫn, định hướng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chỉ đạo của thành phố… để nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trong thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm tra, thanh tra, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Hoạt động thanh tra thường xuyên về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân trong thời gian 3 năm liên tiếp. Số lần thanh tra về bảo vệ môi trường không quá 1 lần trong một năm đối với tổ chức, cá nhân (trừ trường hợp thanh tra đột xuất theo quy định).

Việc thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức cá nhân.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/se-kiem-tra-ve-moi-truong-o-nhieu-khu-chung-cu-do-thi-lon-cua-ha-noi.htm