Sẽ đánh thuế người có nhiều bất động sản?

Nhiều lo ngại về sự “hoàn băng” của thị trường bất động sản (BĐS) bởi vừa có thông tin Nhà nước tính tới việc đánh thuế tài sản đối với người có từ 2 căn nhà trở lên…

Ảnh minh họa: TQ

Lo ngại này là đúng, bởi tiền của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cao như núi đã dồn vào thị trường BĐS và bị ngâm quá lâu ở “vũng lầy” này. Dăm tháng qua, BĐS có dấu hiệu ấm lên, nay nếu sự thật đúng như thông tin thì quả là đáng lo ngại.

Để trấn an dư luận, một cán bộ của Bộ Tài chính giải thích: Quy định đối với những người có nhà thứ 2 trở lên sẽ bị đánh thuế, đó chỉ là định hướng. Ngay cả việc đưa định hướng này vào văn bản pháp luật vẫn chưa có. Mọi người không cần quá lo lắng.

Thế là cả triệu người dân thở phào nhẹ nhõm bởi từ định hướng đến thực thi là cả một chặng đường dài. Mặt khác thị trường BĐS Việt Nam có đặc thù riêng, nó là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, có số lượng người đầu tư lượng tiền lớn nhất và đã có bề dày cả hàng chục năm tính từ thời điểm kinh tế thị trường mở cửa. Nhìn ra nước ngoài, một số nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam họ vẫn chưa thực thi chính sách này. Song nhiều nước việc đánh thuế sở hữu nhiều tài sản đem lại nguồn thu lớn, nhờ vậy mà họ có nguồn chi dồi dào để phát triển hạ tầng nâng cấp đô thị.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng, nếu chủ trương đánh thuế sở hữu BĐS được thực thi thì việc xác định chủ sở hữu đích thực BĐS là khó, bởi một cá nhân có nhiều nhà cửa, đất đai họ nhờ người thân đứng tên. Đó là chưa tính đến trong 63 tỉnh, thành; họ rải tài sản ở những địa điểm khác nhau thì việc kiểm tra, giám sát tài sản của cá nhân cũng rất phức tạp, gây khó khăn cho việc tính thuế, theo đó sẽ có nhiều cá nhân “lọt lưới” cũng như việc phát sinh các tiêu cực về gian lận, thông đồng với cán bộ thuế.

Ở nước ta, nếu làm nghiêm, làm đúng việc đánh thuế sở hữu nhiều BĐS sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn đầu cơ nhà đất. Song, với tình hình thị trường BĐS như hiện tại, nếu thực thi chính sách thu thuế thì BĐS lại tiếp tục “ngủ đông” mà chưa nhìn thấy một mùa hè ấm áp ở phía trước.

Về tương lai, chắc chắn Nhà nước phải thực hiện đánh thuế đối với người sở hữu nhiều BĐS, bởi như vậy Nhà nước mới tăng được nguồn thu ngân sách, lại vừa góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế tình trạng đầu cơ và lãng phí nhà ở. Hiện nay, thuế đất ở Việt Nam là 0,03% bảng giá Nhà nước, lũy tiến cao nhất là 0,15%. Đây là mức thuế quá thấp mà nhiều chuyên gia BĐS, tài chính cho rằng đó là kết quả của những chính sách mang nặng tư duy bảo cấp, chưa tác động lớn đến thị trường. Do vậy, việc điều chỉnh lại thuế nhà đất, trong đó có nội dung đánh thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà đất là việc cần làm.

Tuy nhiên, đây là định hướng có nhiều ý kiến phản biện trái chiều. Không đồng tình với những quan điểm trên, một số chuyên gia khác lại cho rằng, quy định này thiếu khả thi do công tác quản lý gặp khó, đặc biệt là do quan hệ huyết thống, quan hệ gần gũi khác trong cộng đồng người việt, một cá nhân dễ dàng đứng ra “nhận” khối tài sản lớn là của mình để tránh “đạn” cho người khác.

Như vậy, thông tin trên vẫn chỉ là định hướng.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/se-danh-thue-nguoi-co-nhieu-bat-dong-san_t114c68n111420