Sẽ công khai những cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Trước sự lo ngại của người dân về việc ảnh hưởng của chất tạo nạc trong chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng, ngày 13-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm”.

Hội thảo nhằm đánh giá một cách khoa học và cung cấp thông tin đầy đủ, nhiều chiều về vấn đề “thịt lợn siêu nạc” nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời bảo vệ nền sản xuất, chăn nuôi trước thực tế nhiều người tiêu dùng do không được cung cấp thông tin kịp thời đã tẩy chay thịt lợn gây thiệt hại không đáng có cho những người chăn nuôi chân chính.

Theo báo cáo Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, hiện trên thị trường đã phát hiện các chất tạo nạc trong thịt lợn thuộc nhóm Beta-Agonits đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2001. Beta-Agonits là nhóm hooc môn tự nhiên. trong nhóm này có 3 chất đã được dùng để tạo nạc cho thịt lợn đã phát hiện trên thị trường Việt Nam là Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine. Trong đó, Clenbuterol là chất độc hại nhất. Chất này khong mất đi trong quá trình nấu ở nhiệt độ lên tới 100 0 C, do đó dễ tồn dư trong thịt và có thể tạo thành hiện tượng trúng độc mãn tính và trúng độc cấp tính: rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, liệt cơ... Đặc biệt, Clenbuterol còn có thể gây ung thư hoặc đột biến tế bào.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Kết quả khảo sát cho thấy trong số 30 mẫu thịt tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã phát hiện 10 mẫu tồn dư Beta-agonist, chiếm 33%. Trong số mẫu mua tại TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện có tồn dư Beta-agonist thì có tới 90% ở khu vực trung tâm, nơi có số lượng khách hàng lớn và có hệ thống kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.

Theo ông Hùng, cơ quan chức năng cần thực hiện việc xử phạt nghiêm minh và công khai danh sách trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt lợn có tồn dư Beta-agonist. Đồng thời thực hiện truy nguyên nguồn gốc thịt lợn có tồn dư Beta-agonist từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến khâu lưu thông để xử ý triệt để, tận gốc.

Ông Hùng cũng khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua và sử dụng sản phẩm thịt lợn để tránh mua và ăn phải thịt lợn có tồn dư Beta-agonist theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Không nên quá hoang mang, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đôív ới nền sản xuất chăn nuôi cũng như tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không vi phạm pháp luật”.

Nguyễn Bích

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/14291/Se-cong-khai-nhung-co-so-su-dung-chat-cam-trong-chan-nuoi/bbp.aspx