Sẽ có hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ

Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ còn rất lớn, chúng tôi mong muốn xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm gỗ, các mặt hàng dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng… nhiều hơn sang Hoa Kỳ và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ phục vụ hơn nữa cho kinh tế Việt Nam.

Tại hội nghị lớn bàn luận về tương lai mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với chủ đề “Viễn cảnh Việt Nam – Hoa Kỳ và những năm tiếp theo” vừa diễn ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Viễn cảnh tương lai

Đặc biệt, Chủ tịch nước khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm cam kết để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đầu tư kinh doanh bền vững, lâu dài và thành công ở Việt Nam.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang xếp thứ tám trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Về đầu tư, quan hệ thương mại không ngừng tăng trưởng từ 15 tỷ USD năm 2008 lên 52 tỷ USD vào năm 2016. Xuất khẩu của Hoa kỳ đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2016, tăng 43% so với năm 2015.

Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở thành thách thức cản trở mối quan hệ hợp tác thương mại cả hai bên.

Khẳng định việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, cần phải tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giải quyết các vấn đề tiếp cận thị trường Việt Nam, bà Tami Overby, Phó Chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, gồm cả triển vọng của Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương”.

Đồng thời, bà Diane Farrell, Phó Tổng Thư ký, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, khẳng định Hoa Kỳ không tham gia vào TPP không có nghĩa Hoa Kỳ không tham gia vào các FTA, chúng tôi vẫn tham gia vào các hiệp định thương mại chất lượng cao, có lợi cho sự hợp tác giữa các bên.

Bà Diane Farrell cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn tự tin mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng thắt chặt, tầm quan trọng chiến lược hai bên bằng con số ấn tượng. Dưới góc độ về mặt chính sách được thể hiện bằng nhiều cam kết giữa hai bên, trên thực tế, Tổng thống Donald Trump nhận lời mời tham gia APEC năm nay không chỉ thể hiện sự quan tâm của riêng Tổng thống mà của cả nước Hoa Kỳ với Việt Nam”.

Hoa Kỳ đang xếp thứ tám trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Quan hệ thương mại đạt 52 tỷ USD vào năm 2016. Xuất khẩu của Hoa kỳ đạt trên 10 tỷ USD vào năm 2016, tăng 43% so với năm 2015.

Đẩy mạnh cải cách

Vì vậy, trước câu hỏi, hiện nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang đánh giá các đối tác thương mại có chênh lệch thương mại lớn với Hoa Kỳ, gồm 16 nước trong đó có Việt Nam, ứng xử của Hoa Kỳ với Việt Nam thế nào? Đồng thời, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có hiệp định thương mại được ký kết vào năm 2001 và đang có hiệu lực, vậy trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Hoa Kỳ nghĩ gì về khả năng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đàm phán một hiệp định thương mại song phương trong tương lai, trên cơ sở hiệp định hiện tại?

Bà Diane Farrell cho biết, mới đây ở Hoa Kỳ, đại diện các ngành công nghiệp vừa cung cấp thông tin đánh giá thâm hụt thương mại của 16 nước. Song bà Diane thận trọng cho biết, thời điểm hiện tại vẫn quá sớm để kết luận điều gì.

“Tôi nghĩ tương lai FTA giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa chắc chắn, song Việt Nam cần kiên trì nỗ lực cải cách của mình, đẩy mạnh phát triển cả khu vực công và tư nhân, tạo nền tảng tốt để đề xuất về hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhằm phục vụ lợi ích cho hai bên, chuẩn bị tiền đề cần thiết về khuôn khổ pháp lý và chính sách”, bà Diane Farrell kiến nghị.

Dưới góc độ doanh nghiệp (DN) đang có đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, ông Christophe Roussel, Phó Chủ tịch cấp cao, Quản lý nguồn cung ứng toàn cầu, Gap Inc, cho biết: Việt Nam hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn hàng cho Gap Inc. Năm 2016, các công ty Việt Nam cung cấp 1,8 tỷ USD cho chuỗi giá trị của Gap trên toàn cầu, gần 1/3 trong lượng hàng Gap nhập khẩu.

“Gap Inc cần xây dựng chuỗi giá trị trong đó có sự tham gia của Việt Nam. Những con số trên thể hiện vai trò của Việt Nam với chúng tôi. Vì vậy, Gap Inc tiếp tục quan tâm tới thị trường Việt Nam thông qua nhiều dự án không chỉ may mặc, còn chuỗi giá trị của may mặc như dệt, vải…”, ông Christophe Roussel khẳng định.

Đặc biệt, liên quan tới Hiệp định FTA Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Christophe Roussel khẳng định Gap Inc luôn ủng hộ Hiệp định thương mại Hoa Kỳ và Việt Nam. Giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đang ký kết hiệp định thương mại song phương trong khi với công nghiệp dệt may, EU hiện là đối thủ nặng ký với Hoa Kỳ. Do đó, với FTA Việt Nam – EU, Hoa Kỳ không muốn bị hụt chân trong sự cạnh tranh này với các công ty từ phía EU.

“Ở Việt Nam có câu nói ‘trâu chậm uống nước đục’, Hoa Kỳ chắc chắn không muốn là người đến chậm, hưởng sái của người khác. Chúng tôi không muốn chậm hơn các đối thủ khác”, vị đại diện của Gap Inc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để có thể đi tới đàm phán và ký kết FTA giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Joseph Damond, Phó Chủ tịch cao cấp về đối ngoại của Biotechnology Innovation Org, cho rằng trong suốt quá trình đàm phán, yếu tố cần giải quyết là làm thế nào Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi thương mại toàn cầu, một phần trách nhiệm của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đó, còn phía Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp luật đảm bảo hiệu quả thực thi.

“Phía Hoa Kỳ luôn quan tâm tới minh bạch, công bằng trong khuôn khổ pháp luật từ Việt Nam, ý tưởng đàm phán hiệp định thương mại có nhiều công việc chuẩn bị cần được tiến hành. Nó giống bài tập về nhà, bước chuẩn bị thực hiện hết sức kỹ lưỡng”, ông Joseph Damond nói.

Ông José Rául Perales, Phó Giám đốc Liên minh Toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả, cho biết, nếu Việt Nam thực hiện hiệu quả tất cả cam kết của mình về thuận lợi hóa thương mại, tốc độ tăng trưởng GDP có thể tăng 20% mỗi năm. Có nhiều học giả nói Việt Nam có thể trở thành Mexico tiếp theo (hưởng lợi từ thuận lợi hóa thương mại). Song để làm được việc này, Việt Nam cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan giảm chi phí logictics….

Liên quan hiệp định thương mại ký kết đầu năm 2001, ông José Rául Perales nghĩ rằng cả hai phía đã đến thời điểm nâng cấp thành FTA và cần phải đưa ý tưởng đó lên thảo luận.

Ông Trần Đại Quang - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Để quan hệ đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển tương xứng với tiềm năng, tôi đề nghị DN hai bên thể hiện tích cực hơn nữa vai trò của mình trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác. Về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam khuyến khích DN Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và có thể tạo điều kiện để các DN Hoa Kỳ hợp tác với DN Việt Nam cùng phát triển như năng lượng, dầu khí, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng…

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Dù có TPP hay không Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu, quan hệ với Hoa Kỳ vẫn là chủ trương ưu tiên của Việt Nam. Những định hướng đó phù hợp với xu hướng cả DN Việt Nam và Hoa Kỳ mong muốn. Các DN Hoa Kỳ và Việt Nam có tính bổ sung rất tốt cho nhau. Chúng tôi mong các nhà kinh doanh Hoa Kỳ cùng DN Việt Nam có những khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam về cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, góp phần cải cách thể chế kinh tế thị trường Việt Nam để có thể khai thác tốt cơ hội của Việt Nam trong quá trình mở cửa.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham

Chúng tôi tự tin rằng xu hướng tăng trưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ được tiếp tục và có thể được củng cố thêm. AmCham ủng hộ con đường hướng tới Hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, điều này sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư song phương, sẽ góp phần tạo ra các giá trị kinh tế và cơ hội việc làm cho nhân dân hai nước. Để một hiệp định thương mại được thông qua, hiệp định đó phải mang lại sự bình đẳng cho các bên. Cộng đồng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam sẵn sàng góp phần đưa mục tiêu này trở thành hiện thực.

Nguồn Thời Báo Kinh Doanh

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/se-co-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam--hoa-ky_n24161.html