SCIC đang sở hữu khối tài sản khổng lồ ra sao?

Tính đến hết tháng 7, SCIC đang sở hữu vốn tại 141 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 19.558 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 94.927 tỷ đồng.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tính đến ngày 31/7, tổng danh mục đầu tư của tổng công ty gồm 141 doanh nghiệp. Phần vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 19.558 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ các doanh nghiệp là 94.927 tỷ đồng bao gồm 134 công ty cổ phần, 2 công ty TNHH 2 thành viên trở lên và 5 công ty TNHH MTV.

Trong năm 2016, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã đạt vượt mức kế hoạch doanh thu đề ra như Bảo Minh vượt 148%, Nhựa Bình Minh đạt 131%, Vinaconex đạt 114% kế hoạch, Vinamilk vượt 113%, Ftel đạt 113% và Dược Hậu Giang vượt 111% kế hoạch trước đó…

Phía SCIC cũng cho biết trong năm 2016, tổng công ty này đã bán vốn thành công tại 73 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 71 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 2 doanh nghiệp, thu về 16.112 tỷ đồng, gấp 5,2 lần giá vốn 3.083 tỷ đồng sở hữu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, SCIC ghi nhận 7.944 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm gần 8% so với năm trước đó.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của SCIC đạt gần 66.015 tỷ đồng, giảm hơn 7.300 tỷ so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng lên 38.080 tỷ đồng từ 34.800 tỷ đồng trước đó.

Đặc biệt, với đặc thù kinh doanh đầu tư sở hữu vốn các công ty, phần lớn tài sản tại SCIC hiện nay được mang đi đầu tư tài chính với tỷ lệ lên tới gần 96% tổng tài sản. Số này gồm 35.826 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tương đương 54% tổng tài sản và 27.334 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, tương đương gần 42%.

Chỉ tính giá trị thị trường số cổ phiếu SCIC nắm giữ tại 10 doanh nghiệp hiện nay đã đạt trên 110.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ của SCIC và Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển Doanh nghiệp đến cuối năm 2016 lên tới 40.471 tỷ đồng, tương đương 61% tổng tài sản công ty.

Trong năm 2016, SCIC ghi nhận 10.531 tỷ đồng doanh thu, và 8.098 tỷ đồng lãi trước thuế.

Tuy nhiên, giá trị khối tài sản SCIC sở hữu lại đến từ số vốn mà công ty này nắm giữ tại các doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, SCIC cho biết tổng danh mục cổ phiếu nắm giữ của công ty trên thị trường chứng khoán có giá trị lên đến 130.000 tỷ đồng. Trong đó phải kể tới khối tài sản khổng lồ mà tổng công ty này nắm giữ tại Vinamilk với hơn 570,88 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 39,34% vốn sở hữu.

Chỉ tính riêng khối tài sản mà SCIC nắm giữ tại Vinamilk theo giá thị trường hiện nay đã lên tới gần 85.500 tỷ đồng. Chưa kể tới, với việc là cổ đông lớn nhất tại Vinamilk, SCIC thu về hàng nghìn tỷ đồng từ chia cổ tức mỗi năm tại doanh nghiệp sữa này.

Trong 2 năm 2015-2016, Vinamilk trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 60%/năm. Tính ra, năm 2016, SCIC đã thu về hơn 3.400 tỷ đồng chỉ riêng tiền cổ tức từ Vinamilk, chiếm 3/4 tổng cổ tức được chia từ các công ty sở hữu vốn và chiếm hơn 40% lợi nhuận trước thuế của SCIC.

Mới đây, Vinamilk cũng đã thông báo tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 31/8 tới đây. Với số cổ phần nắm giữ tại Vinamilk, dự kiến SCIC sẽ thu về tới 1.141 tỷ đồng tiền mặt từ đợt tạm ứng cổ tức này.

Hiện tại, tính tổng các danh mục đầu tư nắm giữ của SCIC tại 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất, tổng giá trị khoản đầu tư của SCIC lên tới hơn 113.000 tỷ đồng theo giá thị trường.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/scic-dang-so-huu-khoi-tai-san-khong-lo-ra-sao-post771544.html