Schmeichel & câu chuyện bí ẩn về MU (Kỳ 2)

Trong mối quan hệ kình địch giữa 2 đội bóng thành Manchester, rất hiếm cầu thủ nào chuyển từ MU sang Man City mà vẫn được các fan MU yêu quý, nhưng Schmeichel là một trường hợp ngoại lệ. Sự vĩ đại của Schmeichel vượt lên trên tất cả. Khi ông rời khỏi Old Trafford, MU đã rơi vào một cơn khủng hoảng tồi tệ ở vị trí gác đền trước khi "tìm thấy" Edwin van der Sar.

Huyền thoại Schmeichel

Với những người đã từng "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" vào khoảng thời gian mà việc xem bóng đá trên TV còn chưa dễ dàng như ngày nay, những cái tên như Ronaldo, Luis Figo, Zidane, Romario, Maradona, Klinsmann, Bergkamp… luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt. Đấy là thời mà bóng đá chưa bị toàn cầu hóa, chưa nhuốm màu thương mại và mỗi cầu thủ đều mang một nét đặc trưng riêng không thể pha lẫn.

Từ 3/12, hàng tuần chúng tôi xin gửi đến bạn đọc loạt bài “Những huyền thoại không thể quên”, nơi những thần tượng ngày nào bộc bạch và ôn lại những kỷ niệm của một thời oanh liệt. Họ cũng trả lời trực tiếp những nghi vấn và những câu chuyện được thêu dệt về mình khi còn thi đấu, nhưng chưa từng có cơ hội thanh minh, hay giãi bày, thậm chí những “thâm cung bí sử” mà người hâm mộ quan tâm.

"Thủ môn giống như tay trống trong ban nhạc"

* Hậu vệ hay nhất mà ông từng chơi cùng là ai?

Steve Bruce và Gary Pallister là 2 người giỏi nhất xét trên khía cạnh một cặp trung vệ. Còn cá nhân thì Jaap Stam là siêu nhất. Bruce và Pallister có sự phối hợp ăn ý và bù khuyết cho nhau tốt hơn, đấy là lý do họ cũng chính là cặp trung vệ của đội tuyển Anh.

Với Stam, anh ta chưa từng có một đối tác thật sự ăn ý nào. Ronny Johnsen có vẻ như là người tương tác tốt nhất, nhưng anh ấy lại chấn thương quá nhiều. Thế là Stam lần lượt phải đá với Henning Berg, Wes Brown, Roy Keane hay Gary Neville, nhưng tất cả đều không thành vấn đề vì Jaap bao giờ cũng chơi tốt. Anh ấy là một tòa tháp đầy sức mạnh, rất nhanh và cực khỏe. Trong hành trình ăn 3 của M.U năm 1999, tôi nghĩ Stam đã chứng tỏ mình chính là trung vệ hay nhất thế giới. Anh ấy thật tuyệt vời.

* Ông có biết là các fan MU đã thất vọng như thế nào khi ông tuyên bố không muốn chơi bóng ở Anh nữa, nhưng sau đó lại trở lại khoác áo Man City?

Không, tôi chưa từng nói mình không muốn chơi ở Anh nữa. Khi rời Man United, tôi chỉ nói đơn giản thế này: tôi không muốn chơi với mật độ trận đấu dày như thế nữa. Những lời bịa đặt này đã khiến tôi cảm thấy thật sự thất vọng.

Sau tất cả những gì đã cống hiến cho Man United, thiết nghĩ tôi được quyền làm những gì mình thích. Ở Man City tôi chỉ chơi có 34 trận/mùa và tôi không nhất thiết phải chơi mọi trận đấu. Còn ở M.U tôi phải ra sân trong 56 trận. Vì thế tôi phải ra đi thôi.

Về mặt thể chất, tôi cảm thấy mình mệt mỏi sau 8 năm thi đấu liên tục. Tôi ngỡ như mình đã nói điều này quá rõ ràng với các fan United rồi chứ. Tôi luôn nhận được sự ủng hộ rất tốt từ phía các CĐV và những lời bịa đặt kia thật sự là một chuyện đáng buồn.

* Vì sao những người thay thế ông sau này lại không thành công, như Mark Bosnich?

Tôi không trả lời câu này.

* Kevin Keegan có thật là một người giỏi khích lệ cầu thủ như ông ấy tự hào?

Đúng đấy. Keegan luôn tự hào là ông ấy hiểu rõ cầu thủ của mình, biết được tính cách của từng người. Keegan luôn cố làm mọi thứ để cầu thủ của mình chơi tốt trong từng trận đấu. Từng được bầu là cầu thủ hay nhất châu Âu những 2 lần, sưu tập không biết bao nhiêu là huy chương và danh hiệu, Keegan là một người đáng để bạn lắng nghe.

Một pha cứu thua đỉnh cao của Schmeichel trong trận MU gặp Tottenham năm 1994

* Theo ông ai là thủ môn hay nhất thế giới hiện nay?

Đấy là một câu hỏi khó vì thủ môn giỏi ngày nay rất nhiều, nhiều hơn thời của tôi nhiều. Tôi nghĩ mình thích Iker Casillas của Real Madrid.

* Nghe bảo ông là fan của nhạc jazz. Nếu một người chập chững muốn nghe nhạc jazz, ông sẽ khuyên họ điều gì?

Câu này thật khó trả lời. Có rất nhiều, rất nhiều lĩnh vực liên quan đến jazz. Bạn thích tiếng piano không? Tôi thích piano vô cùng. Tôi thích bộ 3: piano, bass và trống. Còn nếu không thích piano thì không cách gì giới thiệu nhạc jazz cho bạn được. Bạn có thích nghe kèn trompet không? Hymn To Freedom của Oscar Peterson là một tuyệt tác. Nếu có bản nhạc ấy lúc này, tôi sẽ chỉ cho bạn những cái hay của nó.

* Thần tượng ngoài bóng đá của ông là ai?

Tôi có nói thì nhiều người cũng không biết, nhưng người hùng của tôi là những tay trống. Tôi thích tay trống của Sting, từng là thành viên cũ của The Police. Tôi thích những tay trống như Omar Hakim, Manu Katché và Vinnie Colaiuta. Tôi có thể xem băng ghi hình của họ cả ngày.

Tôi có nhiều sự cảm thông với các tay trống, những người giữ vai trò quan trọng nhưng không được xem trọng. Tay trống và thủ môn cũng giống nhau ở chỗ: họ luôn ở phía sau đội bóng của mình.

* Pha cứu thua đẹp nhất mà ông từng thực hiện là ở giải đấu nào?

Tại Premiership. Tôi đồng ý với những người đã bầu pha cứu thua từ cú dứt điểm của John Barnes là đẹp nhất của thập kỷ. Chúng tôi đang chơi với Newcastle ở St James’ Park, tôi lao ra để ngăn cú đánh đầu của anh ấy. Nhưng pha cứu thua tôi nhớ nhất là khi MU đá với Rapid Vienna tại Champions League hồi tháng 12/1996, người ta thậm chí đã so sánh pha bóng ấy với pha cứu thua của Gordon Banks trước Pele.

* Trong cuốn sách của mình, ông tỏ ra khá cay nghiệt với truyền thông. Vậy tại sao ông lại tham gia làm truyền hình sau khi giải nghệ?

Tôi không hề chỉ trích toàn bộ giới truyền thông, tôi chỉ chỉ trích những kẻ dựng nên một câu chuyện hoàn toàn do trí tưởng tượng và áp đặt vào cầu thủ mà thôi. Chứ thật ra tôi thực sự rất thích làm việc liên quan đến truyền thông, với BBC, hoặc Sunday Times. Tôi luôn cố tỏ ra công tâm hết mức có thể.

* Ông có nghĩ đến chuyện sẽ chuyển sang nghề cầm quân?

Tôi sẽ cố thử sức xem sao.

* Người dứt điểm tốt nhất mà ông từng biết là ai?

Ole Gunnar Solskjaer. Anh ấy luôn khiến tôi phát điên trên sân tập. Còn trong những trận đấu chính thức thì là Alan Shearer, Matt Le Tissier và Robbie Fowler. Vì sao họ giỏi ư? Ghi bàn vào lưới tôi là giỏi rồi.

* Báo chí ca tụng; dư luận khen, chê, tranh luận, so sánh nhiều siêu sao khác với ông, nhưng Pele luôn có chỗ đứng riêng trong ngôi đền các huyền thoại sân cỏ. Mời các bạn đón đọc Pele: Đơn giản là “vua bóng đá” (Kỳ 1) vào 7h sáng thứ Ba 21/1.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/schmeichel-cau-chuyen-bi-an-ve-mu-ky-2-c9a159643.html