Scandal doping rúng động bóng đá Ý

(Bong da) - Năm 1998, chủ tịch Ủy ban Olimpic Italia phải từ chức sau hàng loạt biến cố liên quan đến góc tối của thể thao tại đất nước bên bờ Địa trung hải.

Bóng đá Italia luôn bị bao trùm trong mớ hỗn độn tin đồn và những lời dối trá, song chưa bao giờ nó chứng kiến sự bê bối như vụ việc liên quan đến cáo buộc cầu thủ sử dụng ma túy tràn lan năm 1998. Kể cả vụ scandal dàn xếp tỷ số Calciopoli năm 2006 cũng không khiến nền thể thao của đất nước 4 lần lên ngôi tại World Cup rung chuyển như hậu quả của vụ việc nói trên (năm 2006, các nhà làm bóng đá Italia cố tình làm giảm nhẹ chấn động của Calciopoli sau khi ĐTQG nước này đăng quang ở World Cup). Mười tuần sau khi Zdenek Zeman, HLV của AS Roma, đặt dấu hỏi nghi ngờ rằng khả năng cơ bắp của một vài cầu thủ như Alessandro del Piero (Juventus), Gianluca Vialli quá mạnh mẽ, vượt trên mọi nỗ lực hữu hạn của con người, bóng đá Italia phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích về nạn doping. Hầu như hàng ngày báo chí đều cung cấp những bằng chứng mới. Niềm tin của người hâm mộ bị thương tổn trầm trọng. Tuy vậy, Liên đoàn bóng đá Italia chỉ thừa nhận duy nhất một cầu thủ thuộc Serie B có kết quả dương tính với các xét nghiệm doping. Alessandro del Piero bị nghi ngờ Vấn đề nằm ở chỗ: các xét nghiệm tại trung tâm y học Rome không thể coi là bằng chứng đáng tin cậy. Ngay từ ban đầu, các nhà điều tra độc lập đã lần ra sự thật đáng báo động. Một nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm Rome thừa nhận họ chỉ đủ khả năng kiểm tra khoảng 10% mẫu nước tiểu của cầu thủ được gửi tới đây. Hơn nữa, kết quả của các xét nghiệm cũng không được công bố. Sau khi chuyển chúng tới Ủy ban Olimpic quốc gia, những giấy tờ còn lại liên quan đến tình trạng sức khỏe cầu thủ buộc phải bị tiêu hủy. Nói cách khác, hầu như không thể chứng minh một cầu thủ có sử dụng chất kích thích hay không dù LĐBĐ Italia (FIGC) vẫn tiến hành đầy đủ các thủ tục kiểm tra như quy định của UEFA. “Chúng tôi phải đối diện với những vấn đề lớn trong vài năm gần đây do sự thiếu hụt nhân sự” - Michele Maffei, người đứng đầu tiểu ban y tế của FIGC, thừa nhận – “Chúng tôi phải tiến hành khoảng 3.000 tới 4.000 xét nghiệm mỗi năm. Điều này đơn giản là bất khả thi”. Dẫu lời giải thích của Maffei có vẻ hợp lý, giới truyền thông Italia lại không mấy tin tưởng. Họ cho rằng lý do thực sự là FIGC và phòng thí nghiệm Rome đã bắt tay với nhau nhằm che đậy kết quả và tránh rắc rối giống như hồi đầu thập niên 1990 (khi cả Diego Maradona và Claudio Caniggia đều bị cấm thi đấu vì sử dụng cocaine). Sandro Donati, thành viên trong ban điều hành Ủy ban Olimpic quốc gia Italia (CONI), là quan chức đầu tiên thừa nhận khả năng cầu thủ sử dụng chất kích thích trong các trận bóng đá ở Serie A và Serie B. Đáng nói hơn, Donati ủng hộ giả thuyết của giới truyền thông rằng kết quả của các xét nghiệm đã biến mất, thêm vào đó, ông cho biết phòng thí nghiệm Rome có tỷ lệ xét nghiệm dương tính thấp nhất Châu Âu. “Tôi không muốn làm mọi việc thêm rối rắm, tuy vậy, có những thực tế mà chúng ta không thể chối cãi” – Donati nói – “Lấy ví dụ, năm trước, phòng thí nghiệm Paris tìm ra 4 trường hợp dương tính sau khi kiểm tra 350 mẫu nước tiểu. Thế nhưng, tại Ý, phòng thí nghiệm Rome chẳng phát hiện kết quả khả nghi nào”. Pavone trở thành vật tế thần Ngay sau phát hiện của báo chí, FIGC phản ứng một cách nhanh chóng. Họ công bố danh tính một cầu thủ cho kết quả dương tính với doping. Cristiano Pavone, cầu thủ khoác áo Lecce, bị cho là đã sử dụng chất kích thích trong trận gặp Piacenza ở Serie B. Tuy vậy, vật tế thần mang tên Cristiano Pavone dường như chưa làm hài lòng những người bất mãn, và hơn hết, không làm thỏa mãn giới truyền thông nổi tiếng diều hâu của Italia. Sức ép từ hàng trăm bài báo và ít nhất 5 lá đơn kiện đã khiến FIGC chao đảo. Không lâu sau đó, Mario Pescante, chủ tịch FIGC, từ chức. Đồng thời, cả 3 giám đốc của Phòng thí nghiệm Rome cũng bị đình chỉ công tác. Thậm chí, Ugo Longo, người đứng đầu ban chống doping của CONI, còn bị điều tra hình sự. Một lần nữa, sau tất cả những bê bối ấy, các nhà làm bóng đá Italia lại thành công trong việc đưa tất cả trở về quỹ đạo cũ. Từ đó tới nay, chẳng mấy ai nhắc lại về cơn bão doping trong bóng đá Italia năm 1998. TAGS: Del Piero, bong da y, scandal doping, serie A, Roma, Juventus Ngọc Duy (24H.COM.VN)

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/bong-da/scandal-doping-rung-dong-bong-da-y-c48a355874.html