Say đắm những hình ảnh chùa Thầy mùa hoa gạo thắp lửa

Vào những ngày cuối xuân (tháng 3 đến đầu tháng 4 dương lịch) khi tiết trời ấm lên, hửng nắng thì chính là thời điểm cho loài hoa gạo (mộc miên, pơ-lang) bung nở sắc đỏ, rạng rỡ.

Những cây hoa gạo ở Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng đã nở rộ, làm nên nét đẹp rất riêng trong không gian ngôi chùa cổ.

Chùa Thầy vốn là Thiên Phúc tự nằm ở chân núi Sài, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Cách trung tâm thành phố Hà Nội 25 km về phía Tây Nam.

Hội chùa chính của chùa Thầy diễn ra từ 5-7/3 âm lịch (trong đó chính hội là ngày 7-3). Nếu muốn trải nghiệm và tìm hiểu về các nét văn hóa độc đáo của lễ hội này, có thể đến Chùa Thầy vào đúng hội.

Đầu tháng 3 là mùa hoa gạo nở ở Chùa Thầy, lúc này những cây gạo quanh chùa thu hút được rất nhiều tay máy đến săn ảnh. Nếu định đi vào thời điểm này, nên đi vào ngày trong tuần.

Phương tiện cá nhân

Cách trung tâm Hà Nội khoảng trên dưới 20km, tùy vị trí địa điểm xuất phát nên có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới chùa Thầy.

Xe ô tô

Nếu đi ô tô, sử dụng tuyến đường Đại lộ Thăng Long (CT08) tới nút giao Sài Sơn thì rẽ ra khỏi cao tốc, đi về phía bên phải khoảng 3km nữa sẽ thấy các thông tin chỉ dẫn phân làn phương tiện vào nơi gửi xe.

Xe máy

Nếu đi bằng phương tiện xe máy, đi theo đường gom Đại lộ Thăng Long (trên Đại lộ Thăng Long cấm xe máy, lưu ý không đi vào để đảm bảo an toàn), từ ngã 4 Big C – Trần Duy Hưng đến điểm rẽ vào Chùa Thầy khoảng 15km.

Phương tiện công cộng

Nếu muốn đến chùa Thầy bằng phương tiện công cộng, có thể sử dụng xe buýt. Hiện từ trung tâm Hà Nội có thể tới cửa chùa Thầy bằng tuyến buýt CNG01 có lộ trình Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Sơn Tây, xe sẽ dừng ngay cổng vào của khu di tích Chùa Thầy.

Cây hoa gạo nở đỏ rực một góc trời, giữa không gian hùng vĩ của núi đồi khiến người hành hương, vãn cảnh không khỏi thích thú khi đến chùa Thầy (xã Sài Sơn, H.Quốc Oai, Hà Nội) những ngày này. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Cây hoa gạo còn có tên gọi khác là mộc miên, hồng miên hay pơ lang. Cây gạo cổ thụ cao khoảng 30m, với đường kính gốc cỡ 3 người ôm. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đây là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng, lá rụng vào mùa đông. Hoa gạo màu đỏ với 5 cánh hoa dày. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Hoa gạo làm duyên trước thủy đình trên hồ. Đây là một kiến trúc đặc sắc, hình ảnh tiêu biểu của Chùa Thầy. Thủy đình này được sử dụng để múa rối nước, hiện vẫn còn sử dụng trong những dịp lễ hội. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Trước kia, sân Chùa Cả (chùa chính dưới chân núi) có 5 cây hoa gạo. Nhưng 4 cây đã chết, còn một cây nằm mé bên trái chùa, gần cầu “Nhật Tiên Kiều” Nhà chùa trồng thêm 2 cây mới. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Những bông hoa đỏ thắm như những đốm lửa bên cạnh cây cầu cổ Nhật Tiên Kiều. Mùa hoa gạo nở thời gian không quá dài những cũng đủ làm cho nhiều người mê mẩn. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Hoa gạo nở báo hiệu thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hạ. Thời gian hoa gạo nở thường kéo dài 2-4 tuần từ tháng 3 đến đầu tháng 4. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Rất nhanh chóng, nơi đây thành điểm đến của nhiều người tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoa gạo và chụp ảnh lưu niệm với mùa hoa gạo. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Những cô gái tha thướt trong những tà áo dài không bỏ lỡ cơ hội để ghi lại những hình ảnh đáng nhớ. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Những bông hoa rụng trở thành “đạo cụ” để nhớ một mùa hoa. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/say-dam-nhung-hinh-anh-chua-thay-mua-hoa-gao-thap-lua/286313.html