Sau thương vụ vũ khí với Mỹ, Qatar tự tin đàm phán

Sau khi mua loạt máy bay của Mỹ cũng như chứng tỏ không ảnh hưởng sau cô lập, Qatar nêu điều kiện để dỡ bỏ phong tỏa với các nước láng giềng.

Ngày 19/6, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố các điều kiện sẽ được đặt ra nếu các nước Arabia muốn tìm cách đàm phán để dỡ bỏ tình trạng phong tỏa hiện nay.

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Doha, Ngoại trưởng Qatar tuyên bố điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là chấm dứt các biện pháp gây hấn nhằm cô lập Qatar của hàng loạt quốc gia vùng Vịnh.

"Qatar đang bị phong tỏa và sẽ không có đàm phán nào cả. Họ phải dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để bắt đầu việc đàm phán", Al Jazeera dẫn lời Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói.

Ngoại trưởng Qatar cũng nêu rõ các cuộc đàm phán phải diễn ra văn minh với một nền tảng vững chắc, không phải chịu áp lực hay bị cô lập.

Ngoại trưởng Qatar tuyên bố nước này không nhận bất kỳ yêu cầu nào từ các nước vùng Vịnh hay từ các nước làm trung gian hòa giải bao gồm Kuwait, Mỹ, Pháp hay Anh.

Ngoại trưởng Qatar cũng cho biết ảnh hưởng kinh tế đối với nước này cho đến nay là rất nhỏ song thừa nhận nước này đang không trong điều kiện lý tưởng.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý Pháp, Anh hay Mỹ, những nước có mối quan hệ đồng minh tốt với Qatar với một loạt thỏa thuận, cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này một cách gián tiếp.

Việc nêu điều kiện với các quốc gia cô lập mình trước khi bước vào cuộc đàm phán đã cho thấy vị thế hoàn toàn thay đổi của Doha.

Ngoại giao vũ khí đổi vị thế cho Qatar.

Ngày 14/6 Qatar đã ký hợp đồng trị giá 12 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ.

Hợp đồng được ký kết sau các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid al-Attiyah. Theo Bloomberg, đơn hàng trong hợp đồng là 36 máy bay tiêm kích F-15 của Mỹ.

Trước đó, vào tháng 11/2016, Mỹ đã thông qua thương vụ có trị giá 21,1 tỷ USD bằng việc bán cho Qatar 72 chiếc máy bay F-15QA và Boeing là nhà thầu chính trong hợp đồng bán phi cơ chiến đấu cho Qatar.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với Qatar trong việc bị cáo buộc "đồng phạm khủng bố" không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp 72 máy bay F-15QA cho Qatar. Rõ ràng, hợp đồng mới đã chứng tỏ điều này dù mới được một nửa thỏa thuận.

Theo thỏa thuận trước đó, Mỹ cung cấp cho Qatar 10 hệ thống phóng tên lửa đất đối không Patriot, 24 trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin. Hợp đồng mua bán tên lửa Patriot với Qatar là hợp đồng mua bán vũ khí có trị giá lớn nhất của Mỹ năm 2014.

Đáng chú ý, khi thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Qatar được thống nhất thì cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 2014 cũng kết thúc, khi Riyadh và các đồng minh kết nối bang giao lại với Doha.

Giới phân tích cho rằng, dường như Doha đã vận dụng lại chính sách “ngoại giao vũ khí” để tìm lối thoát cho mình như năm 2014.

Chuyên gia Dmitry Egorchenkov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Dự báo có trụ sở tại Moscow đã đưa ra dự đoán khi cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh đang trên miệng hố chiến tranh, cho rằng với thỏa thuận được ký kết, điều này không loại trừ khả năng Mỹ sẽ kiềm chế chỉ trích Doha.

“Tôi đoán rằng Washington sẽ sớm đưa ra tuyên bố thân thiện với Qatar và khẳng định vai trò của Mỹ ở khu vực. Mỹ cũng có thể đặt yêu sách về sự cần thiết giải quyết khủng hoảng theo cách hòa bình” - ông Egorchenkov nói.

Boris Dolgov, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Nga cũng cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao, thỏa thuận Mỹ - Qatar đã “gửi đi một tín hiệu” tới các nước Vùng Vịnh, trước tiên là Ảrập Xêút, rằng Washington muốn giải quyết xung đột và vẫn coi Doha là một đối tác. Mặc dù Tổng thống Trump có những tuyên bố cứng rắn với Qatar, nhưng Mỹ vẫn quan tâm tới việc tiếp tục hợp tác song phương chặt chẽ với nước này.

Những chiến thuật ngoại giao vũ khí, hay tiềm lực kinh tế rất lớn của quốc gia vùng Vịnh này là những con bài hoàn toàn giúp họ xoay ngược lại vị thế của mình trên bàn đàm phán với các quốc gia có tư tưởng thù địch ở Trung Đông.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/sau-thuong-vu-vu-khi-voi-my-qatar-tu-tin-dam-phan-3337662/