Sau thời khắc lịch sử

'Chuyến đi này là thời khắc lịch sử', Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong video tổng kết các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, bắt đầu từ lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, sau đó là hội đàm, họp báo chung với Tổng Bí thư. Video được đăng trên mạng xã hội hôm qua, ngày 13.9, kèm theo đoạn viết: 'Sau 50 năm phát triển quan hệ giữa hai quốc gia, từ xung đột đến bình thường hóa, tôi cảm thấy tự hào vì đã tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, một đối tác quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương'.

Trước đó, nhiều nhà ngoại giao trong nước và các chuyên gia khu vực đánh giá chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “mở ra một chương mới” trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ với việc lãnh đạo hai nước đã tuyên bố thiết lập “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Các nội hàm của mối quan hệ đối tác mới kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững”.

Rõ ràng, sự bùng nổ của công nghệ thời gian qua, đặc biệt là công nghệ số, cho thấy công nghệ chính là chìa khóa để giải quyết những bài toán toàn cầu trong dài hạn, bao gồm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra các việc làm mới có giá trị và duy trì động lực phát triển kinh tế. Đây là một trong những yếu tố định hình “tầm cao mới” trong mối quan hệ đối tác mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cụ thể, về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai bên mong muốn có thêm bước tiến đáng kể về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF); dự định thúc đẩy hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng không. Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung khu vực và toàn cầu.

Về hợp tác khoa học, công nghệ, Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Cùng với đó, Hoa Kỳ sẽ xem xét thiết lập Mạng Truy cập Vô tuyến Mở (phòng đào tạo O-RAN) tại Việt Nam, mạng 5G an toàn và áp dụng các công nghệ mới nổi nhằm cung cấp cơ hội nâng cao tay nghề trong lĩnh vực số cho cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam… Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác giữa các cơ quan học thuật hàng đầu của hai nước.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã được thiết lập với nhiều thỏa thuận hợp tác có tính đột phá. Từ kết quả tốt đẹp ban đầu này, điều quan trọng tiếp theo đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra. Đó là trong thời gian tới, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phối hợp triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được, tạo điều kiện để phát triển những bước tiếp theo như thế nào.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức căn bản, nhất là về chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng thể chế. Ví dụ, hai bên cam kết tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, ngành bán dẫn đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn công nghệ, với chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, Việt Nam phải rất nỗ lực để có thể sớm tham gia. Hoặc, chuỗi cung ứng ngành sản xuất toàn cầu do Hoa Kỳ và phương Tây dẫn dắt đang chú trọng chuyển đổi sang mô hình “friend-shore”, tức là các nhà máy, công đoạn sản xuất sẽ ưu tiên đặt ở các nước có quan hệ ngoại giao, có giá trị và tiêu chuẩn gần gũi với phương Tây. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục cải thiện về thực thi pháp lý, đặc biệt là tòa án để xử lý tranh chấp kinh tế - thương mại để “hòa vào”.

Sau khi mở ra một chương mới, sau thời khắc lịch sử, đánh giá rõ cơ hội, xác định lộ trình dài hạn và các ưu tiên ngắn hạn là việc phải làm để biến các thỏa thuận đã đạt được trở thành hiện thực.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/sau-thoi-khac-lich-su-i342933/