Sầu riêng thành biểu tượng giàu có của dân Trung Quốc, nhà vườn Việt hưởng lợi

Nhu cầu mua sầu riêng của người dân Trung Quốc tăng vọt khi loại trái cây này được xem là biểu tượng của sự giàu có, tạo cơ hội 'vàng' cho sầu riêng Việt Nam.

Thức quà thể hiện sự giàu có

Ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, người ta thường hay có tục lệ gửi từ 4 đến 6 món quà cho bạn bè, người thân trong các dịp trọng đại như kết hôn. Nếu như trước đây, những món quà thường gồm nho, dăm bông, sữa và nấm khô thì nay sầu riêng lại trở thành món quà được tặng trong những dịp quan trọng. Thậm chí, những món đồ như nho, đào và rượu vang trắng cũng không có giá trị bằng một hộp sầu riêng.

Ma Qian, 20 tuổi cho biết: “Mẹ chồng tôi cùng nhiều người dân địa phương sau lần đầu tiên ăn sầu riêng đã nhanh chóng thích hương vị của loại trái cây này. Đáng nói là mẹ chồng tôi vốn là một cụ già nông thôn điển hình luôn tằn tiện, tích góp giờ đây lại hay nhắc con cháu mua sầu riêng về ăn”. Nhiều người lớn tuổi ở Trung Quốc cũng bị loại trái cây này chinh phục bởi với họ, “sầu riêng rất bổ dưỡng, ăn một quả sầu riêng bằng ăn ba con gà”.

Không chỉ người già, những người trẻ tại Trung Quốc cũng đang xem sầu riêng là một thức quà xa xỉ, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng, tờ SCMP cho hay.

Từ già đến trẻ đều yêu thích sầu riêng

Ngoài sầu riêng, các loại thực phẩm liên quan đến loại trái cây này như bánh sầu riêng, chè sầu…cũng đang là mặt hàng ăn khách tại các quán cà phê ở Trung Quốc. Tại các chợ đầu mối ở Trung Quốc, giá sầu riêng trung bình dao động từ 36 – 52 NDT/kg tùy theo từng loại.

Bất chấp những biện pháp hạn chế trong thời kỳ dịch Covid-19, số lượng sầu riêng tươi được nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2017, nâng tổng giá trị lên tới hơn 4 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu sầu riêng trong quý đầu tiên của năm 2023 đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 năm nay, doanh số bán sầu riêng trên Meituan – nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc – đã tăng tới 711% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ hội của sầu riêng Việt Nam

Sức hút của sầu riêng tại thị trường Trung Quốc biến nó trở thành “mỏ vàng” của nhiều nhà đầu tư. Không ít người đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán sầu riêng để mong kiếm được lợi nhuận lớn. Bob Wang, một thương lái tại Trung Quốc đã ký hợp đồng với nhiều nhà vườn sầu riêng ở Việt Nam. Kế hoạch của anh là nhập khẩu được hơn 3.000 container, tương đương với 60.000 tấn sầu riêng trong năm nay.

Sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế

Wang, chủ của TWT Supply Chain cho biết sức hút của sầu riêng tại thị trường Trung Quốc sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. “Theo tình hình hiện tại, rất có khả năng nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc có thể tăng gấp đôi trong những năm tiếp theo”, anh khẳng định.

Những nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines. Thái Lan vẫn đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc với 784 nghìn tấn sầu riêng được xuất khẩu trong năm 2022, với giá trị 3,84 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, sầu riêng Việt Nam đang có lợi thế cực lớn khi có giá rẻ hơn 15% so với sầu riêng Thái Lan và thời gian vận chuyển ngắn hơn (chỉ từ 1 – 3 ngày), tờ SCMP nhận định.

Theo thống kê của Cục Xuất khẩu, tính đến ngày 30/5, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 60.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Chỉ riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt hơn 17.500 tấn.

Giám đốc Chen Xiao của Trung tâm dịch vụ cửa khẩu Đông Hưng – Móng Cái cho biết: “Năm nay lượng nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến. Ngày nào cũng có vô số xe tải chở sầu riêng đi qua cửa khẩu khi sầu riêng vào mùa”.

Lượng sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh

Trung Quốc cũng đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu sầu riêng. Thành phố Sùng Tả, Quảng Tây gần đây đã đầu tư 1,8 tỷ NDT vào việc xây dựng trung tâm logistic với kho lạnh và hệ thống xử lý thực phẩm, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu sầu riêng ngày càng tăng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2025.

Bên cạnh nhập khẩu, Trung Quốc cũng đang nỗ lực “nội địa hóa” sầu riêng nhằm giảm giá loại quả này cũng như thúc đẩy thương mại nông nghiệp nước nhà. Trung Quốc đã trồng khoảng 93,3 ha sầu riêng tại Tam Á, đảo Hải Nam và đã thu hoạch lứa sầu riêng đầu tiên vào tháng 6 vừa qua. Mặc dù sản lượng chỉ đạt 2% so với kỳ vọng nhưng Tam Á đang hướng đến mục tiêu xây dựng khu trồng sầu riêng công nghiệp với diện tích 3.333 ha trong 3 đến 5 năm tới. Ước tính đến năm 2028, sản lượng sầu riêng trồng tại đây sẽ đạt giá trị 5 tỷ NDT.

Mai Lý

Theo SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sau-rieng-thanh-bieu-tuong-giau-co-cua-dan-trung-quoc-nha-vuon-viet-huong-loi-20180504224286574.htm