Sầu nữ Út Bạch Lan - hồng nhan mà bạc phận

Vào thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, sầu nữ Út Bạch Lan gặp và yêu nghệ sĩ Thành Được, hai người kết hôn trong sự chúc phúc của đông đảo bạn bè, đồng nghiệp. Song cũng kể từ đây, cuộc đời bà rẽ sang một trang mới, cay đắng và truân chuyên hơn.

Tuổi thơ đầy cơ cực

Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai. Bà sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An.

Hơn 60 năm gắn bó với sân khấu cải lương, bà khẳng định được vị thế của mình qua các vở như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển,... Bà luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của đồng nghiệp cũng như khán giả.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan thời xuân sắc. Ảnh: NVCC.

Sở hữu nhan sắc hơn người và được coi là giọng ca vàng của làng cải lương nhưng cuộc đời nghệ sĩ Út Bạch Lan lại gặp nhiều cay đắng. Cha mất sớm, hai mẹ con phải đi làm thuê quanh khu vực chợ Lớn để mưu sinh.

Hay nghe những làn điệu vọng cổ khi đi qua nhiều khu phố Sài Gòn lúc bấy giờ, sự đam mê cải lương đến với Út Bạch Lan dần dần, từ từ như hơi thở cuộc sống. 11 tuổi, bà lén mẹ cùng người anh thân thiết - nhạc sĩ Văn Vĩ - đi hát dạo khắp nơi. Bà hát, anh đàn, cuộc sống của cô bé Út Bạch Lan khi đó đã gắn liền với cải lương.

Cơ duyên đến với bà khi cô Năm Cần Thơ - người có tiếng trong giới hát ngày ấy - phát hiện và dẵn dắt vào con đường nghệ thuật. Kể từ đây, Út Bạch Lan từ một cô bé hát dạo trở thành một "nữ hoàng đào thương". Bà được khán giả ưu ái dành tặng cho các danh hiệu như: "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng vọng cổ", "Vương nữ sương chiều", "Sầu nữ" Út Bạch Lan,...

Tháng 7/2015, khi đợt xét danh hiệu NSƯT, NSND diễn ra NSND Kim Cương đã lên tiếng với các cơ quan chức năng về việc xin đặc cách cho bà Út Bạch Lan nhận danh hiệu này nhưng bà đã từ chối.

Người phụ nữ truân chuyên

Cuộc đời tình duyên lận đận của "sầu nữ" dường như được gói ghém trong bài vọng cổ "Hoa lan trắng" do soạn giả Viễn Châu viết tặng bà. "Theo thời gian và trải qua dòng đời thăng trầm, dưới ánh đèn đêm trọn đời tôi đóng vai sầu nữ, suốt kiếp làm kẻ tiễn đưa bằng lời ca dang dở mộng ban đầu" - lời ca trong bài vọng cổ đã nói lên tâm tư của nữ nghệ sĩ.

Bà Út Ngọc Lan trong một buổi diễn cùng chồng cũ - nghệ sĩ cải lương Thành Được. Ảnh: NVCC.

Út Bạch Lan nổi tiếng với tình yêu và cuộc hôn nhân với nghệ sĩ cải lương Thành Được. Năm 1961, khi cùng hoạt động ở đoàn Kim Chưởng, cả hai se duyên vợ chồng. Cố soạn giả Viễn Châu từng chia sẻ đó là một đám cưới long trọng, đàng trai do nghệ sĩ Phùng Há chủ hôn, còn đàng gái đại diện là bà bầu Kim Chưởng.

Nhưng nghệ sĩ Thành Được vốn là một người đàn ông có dáng vẻ đẹp trai, hào hoa, lại nổi tiếng nên có rất nhiều bóng hồng vây quanh. Sự hào hoa của nghệ sĩ Thành Được không chỉ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mà còn làm lỡ làng cuộc đời bao nhiêu cô gái khác.

Sau khi kết hôn cùng Thành Được không bao lâu, "sầu nữ" đau đớn khi nhận nuôi liên tiếp 4 người con riêng của chồng ( 2 người con đầu khi bà còn sống chung với nghệ sĩ Thành Được và 2 người con sau khi cả hai đã chia tay).

Người con đầu tên Liên, con của một cô nghệ sĩ dưới Cần Thơ. Trong một bài phỏng vấn, bà kể: "Cháu được 3 tuổi thì mẹ cháu đưa lên và nói: "Chị ơi, em vất vả quá không nuôi cháu được, chị nuôi dùm cháu vì chị cũng chưa con cái gì, nuôi để lấy hên. Khi nào em khá, em rước cháu về"". Vì muốn giữ cuộc sống gia đình êm ấm, bà nhận lời.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan vào năm 2015 trước căn hộ nhỏ của bà trong chung cư cũ ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Ở tuổi già, không con ruột, bà vui vầy bên con nuôi, các cháu. Ảnh: Thoại Hà.

Chẳng lâu sau, một người phụ nữ khác ở Huế cũng đưa con đến nhờ bà chăm hộ: "Khi lỡ làng, người mẹ ấy bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, bụng mang dạ chửa lận đận vào Sài Gòn tìm tôi và được cô Phượng Liên giới thiệu đến. Tôi nói: Thôi thì phận đàn bà con gái, em cứ ở lại, chị thuê nhà cho em ở để sinh nở và thuê bà vú chăm con cho em", nghệ sĩ Út Ngọc Lan chia sẻ.

“Cứ thế, tôi nhận thêm đứa con thứ 3 và thứ 4. Đứa thứ ba tên Sơn, con một phụ nữ ở Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu. Các con được mang đến cho tôi khi còn đỏ hỏn”, bà kể. Trong cuộc hôn nhân vỏn vẹn có 3 năm với Thành Được, Út Bạch Lan không có con do hai lần phải lên bàn mổ. Bà chăm con chồng như con mình. Năm 1964, khi bà và ông chia tay, nữ nghệ sĩ vẫn không rời bỏ các con. Một trong số 4 người con riêng đó, bà yêu quý nhất là Dũng, nhưng anh mất cách đây 20 năm vì bạo bệnh.

Sau những biến cố cuộc đời, Út Bạch Lan tìm đến sự bình yên nơi cửa Phật. Bà không xuống tóc xuất gia nhưng mỗi sáng đọc Kinh, tối đi diễn và làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Khuya 4/11/2016, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Út Bạch Lan qua đời tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của bà để lại nỗi mất mát lớn lao trong ngành nghệ thuật truyền thống.

Nguyễn Hồng (t/h)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/sau-nu-ut-bach-lan--hong-nhan-ma-bac-phan-d28473.html