Sau khi 'kề dao' sát cổ Nga, Mỹ tiếp tục ra tay với Trung Quốc

Theo tờ 'Thedrive', Quân đội Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (phiên bản trên đất liền), trên đảo Guam, một vị trí chiến lược tại khu vực Thái Bình Dương, rất gần lãnh thổ Trung Quốc.

Tướng Jon Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, đã cung cấp một số thông tin chi tiết về việc triển khai hệ thống Aegis chống tên lửa đạn đạo trên đảo Guam; theo kế hoạch, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.

Hải quân Mỹ đã triển khai một hệ thống Aegis trên đất liền ở Romania và một hệ thống ở Ba Lan cũng đang được xây dựng, nhằm kiềm chế tên lửa của Nga. Các hệ thống này đều có cấu hình giống nhau, gồm radar cảnh giới, hệ thống điều khiển trung tâm và tên lửa thẳng đứng Mk41, được triển khai trên mặt đất.

Toàn bộ hệ thống chiến đấu Aegis đều sử dụng tên lửa đánh chặn Standard-3 (SM-3). Với việc sử dụng mô-đun phóng Mk41, thì trong tương lai, hệ thống Aegis trên đất liền, có thể được trang bị nhiều loại tên lửa đánh chặn, như tên lửa Standard-6 (SM-6).

Hệ thống chiến đấu Aegis được phát triển, để lắp đặt trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke; trái tim của hệ thống chiến đấu Aegis là radar AN / SPY-1, hệ thống điều khiển trung tâm và tên lửa đánh chặn tầm cao; do vậy hệ thống có thể dễ dàng triển khai trên mặt đất, nhưng với quy mô lớn hơn trên tàu chiến.

Điểm yếu của hệ thống Aegis trên đất liền, là được triển khai hoàn toàn cố định trên mặt đất; vì vậy biến chúng trở thành mục tiêu tấn công chính của đối thủ, và khả năng tồn tại, sau các cuộc xung đột quy mô lớn là cực kỳ thấp.

Tướng Hill nói rằng, do diện tích đảo Guam tương đối nhỏ và địa hình đồi núi, nên việc xây dựng các cơ sở Aegis trên đất liền, tương tự trên đảo Guam sẽ gặp nhiều thách thức; do hệ thống cần một không gian mở tương đối lớn và tương đối bằng phẳng.

Vị trí triển khai của hệ thống Aegis cũng cần đảm bảo tầm phủ sóng phát hiện tối đa của radar. Yếu tố địa lý cũng là một lý do quan trọng, khiến Nhật Bản phải hủy bỏ việc xây dựng hai hệ thống Aegis trên đất liền vào năm ngoái.

Tại Guam, hệ thống chiến đấu Aegis, được coi như một phần để bảo vệ căn cứ Không quân Anderson rất lớn của Không quân Mỹ tại đây. Hệ thống Aegis có thể xây dựng ở cuối cùng ở phía nam của hòn đảo, và bệ phóng tên lửa cũng có thể được triển khai trong một hang động trên đảo.

Mặc dù Tướng Hill không trực tiếp đề cập, nhưng lý do quan trọng của việc thiết kế và phát triển hệ thống Aegis tại đảo Guam, là nhằm giúp giải quyết những điểm yếu tiềm ẩn của hệ thống, đó là khả năng chỉ đánh chặn được số lượng hạn chế, thay vì có thể đánh chặn được số lượng lớn tên lửa đạn đạo, trong bối cảnh chiến tranh tổng lực.

Chuyên gia quốc phòng Brian Clark cho rằng, các tên lửa và vị trí radar cố định như vậy, rất dễ bị phá hủy trong một cuộc tiến công tổng lực; để khắc phục điểm yếu này, hệ thống chiến đấu Aegis sẽ phân tán thành nhiều địa điểm và có những thiết bị dự phòng.

Việc phải phân tán lực lượng, bắt buộc phải kết nối hệ thống Aegis trên đất liền với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa khác ở Guam và trên các tàu chiến của Hải quân Mỹ và đồng minh được trang bị hệ thống chiến đấu này.

Hiện tại, trên đảo Guam đã có hệ thống phòng không THAAD, nhưng hệ thống này chỉ có thể đánh chặn tên lửa trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Radar AN / TYP-2 của hệ thống THAAD cũng là loại đơn hướng và không thể cung cấp phạm vi phát hiện 360 độ.

Tướng Hill đã nói rõ rằng, một kiến trúc phòng thủ nhiều lớp là cần thiết, để bảo vệ căn cứ Guam một cách đầy đủ, khỏi các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai.

Trong cuộc xung đột cường độ cao ở khu vực Thái Bình Dương, với một đối thủ như Trung Quốc, có thể phát động một cuộc tấn công bão hòa vào Guam, nơi tập trung nhiều căn cứ quan trọng của quân đội Mỹ và phóng nhiều loại vũ khí vào các mục tiêu riêng lẻ, với mục đích tăng cơ hội xuyên phá qua hệ thống đánh chặn của Mỹ.

Tuy nhiên không chỉ có hệ thống đánh chặn trên đảo Guam “độc lập tác chiến”, mà cùng “chia lửa” đánh chặn, có hàng chục tàu chiến lớp Arleigh Burke, đều được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis và được kết nối thành một mạng chiến đấu chung.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn mở rộng hệ thống phòng thủ ra các đảo khác, như đảo Tinian, cách Guam khoảng 160 km về phía bắc. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, chỉ riêng hệ thống Aegis trên đất liền ở Guam sẽ cần ít nhất khoản kinh phí khoảng 1,6 tỷ USD.

Hải quân Mỹ luôn chủ trương thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên đất liền tại đảo Guam, nhằm giải phóng các khu trục hạm Arleigh Burke để thực hiện các nhiệm vụ khác. Quân đội Mỹ cần các tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến, để thực hiện các nhiệm vụ chống tàu ngầm, chống hạm và phòng không hạm đội.

Với tầm quan trọng chiến lược của đảo Guam, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại đây, là mối đe dọa với số tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc. Việc này chắc chắn khiến lãnh đạo Quân đội Trung Quốc “không vui vẻ gì”; bởi đảo Guam là phần lãnh thổ Mỹ, gần với Trung Quốc nhất hiện nay. Nguồn ảnh: Pinterest.

Cách thức hoạt động của tổ hợp phòng thủ đánh chặn tên lửa Aegis trên đất liền của Mỹ. Nguồn: IAMD.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/sau-khi-ke-dao-sat-co-nga-my-tiep-tuc-ra-tay-voi-trung-quoc-1562671.html