Sau châu Âu, Tổng thống Mỹ ra tay trừng phạt Nga

Ngày 3/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một số cá nhân và thực thể của Nga nhằm đáp trả việc Moskva bắt giam nhân vật đối lập Alexei Navalny, với cáo buộc tình báo Nga đã cố gắng sát hại ông Navalny vào năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Lần trừng phạt đầu tiên

Một số quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ Washington sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 thành viên của chính phủ Nga, cũng như kiểm soát xuất khẩu đối với một số thực thể kinh doanh liên quan đến sản xuất các tác nhân sinh học.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung 14 nhóm vào danh sách các thực thể bị trừng phạt vì sản xuất tác nhân sinh học và hóa chất, bao gồm 9 tổ chức thương mại ở Nga, 3 ở Đức và 1 ở Thụy Sĩ. Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào các quan chức Nga và một trung tâm nghiên cứu của Nga trước đó đã bị Liên minh châu Âu (EU) và Anh trừng phạt vào tháng 10/2020 vì liên quan đến vụ đầu độc ông Navalny.

Quyết định trên của Mỹ được đưa ra sau khi một đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ kết luận “với độ tin cậy cao” rằng các sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc ông Navalny. Đây là các biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với các cá nhân và thực thể của Nga liên quan tới vụ Navalny.

“Nỗ lực sử dụng vũ khí hóa học của Nga nhằm giết hại Alexei Navalny là đáng báo động”, Reuters dẫn lời quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho hay. Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo thêm rằng các lệnh trừng phạt này mới chỉ là khởi đầu và Tổng thống Biden sẽ tiếp tục xem xét lại các hành động của Moscow trước khi có những bước đi tiếp theo. Mặt khác, giới chức Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden sẵn sàng hợp tác với Nga trong một số vấn đề như Iran, Triều Tiên.

Động thái trên cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden trong việc đối đầu với Nga, trong khi vẫn đang cố gắng giải quyết các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đầu năm nay, Mỹ và Nga đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) thêm 5 năm.

“Lệnh trừng phạt không phải một “viên đạn bạc” cũng như không thể chấm dứt những khó khăn trong quan hệ với Nga. Chúng tôi cho rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục là thách thức trong thời gian tới. Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó, chúng tôi không tìm cách điều chỉnh lại quan hệ với Nga nhưng cũng không muốn làm leo thang căng thẳng”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.

Trước đó, ngày 1/3, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức cấp cao trong ngành tư pháp và thực thi pháp luật của Nga liên quan đến vụ bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Sự đáp trả

Ngày 3/3, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev khẳng định Moskva sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và cả châu Âu. “Với châu Âu và Mỹ, tình hình hiện nay không quan trọng mà chỉ là cái cớ để bôi nhọ nước Nga”. Đây là “điều không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế và chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của Nga” - Thượng nghị sĩ Kosachev khẳng định.

Ông Alexey Chepa - Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người đứng đầu cơ quan thực thi công vụ của EU và Mỹ là vô nghĩa, bởi họ không thể hành động theo cách khác và vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt sau EU là “cái cớ để tiếp tục công khai can thiệp vào công việc nội bộ” của Nga. Bà Maria Zakharova khẳng định, Moskva “sẽ phản ứng trên nguyên tắc có đi có lại, không nhất thiết phải tương xứng”.

Hà Anh

((Theo Reuters))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-chau-au-tong-thong-my-ra-tay-trung-phat-nga-n187641.html