Sau Alibaba, đến Baidu tặng phòng thí nghiệm và thiết bị điện toán lượng tử

Baidu có kế hoạch tặng một phòng thí nghiệm và thiết bị điện toán lượng tử cho Học viện Khoa học Thông tin Lượng tử Bắc Kinh (BAQIS) do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Theo người phát ngôn của gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc, cả hai bên đang thống nhất các chi tiết.

Điện toán lượng tử là lĩnh vực trong ngành khoa học máy tính và vật lý, liên quan đến việc sử dụng các hiệu ứng lượng tử để thực hiện các phép tính. Trong khi máy tính truyền thống sử dụng bit để biểu diễn dữ liệu (bit có thể là 0 hoặc 1), máy tính lượng tử sử dụng qubit, đơn vị thông tin lượng tử có khả năng tồn tại ở cả hai trạng thái 0 và 1 cùng lúc. Điều này dẫn đến một số đặc tính độc đáo của điện toán lượng tử, như khả năng thực hiện nhiều phép tính đồng thời, giải các bài toán phức tạp nhanh chóng hơn so với máy tính truyền thống trong một số trường hợp cụ thể. Các ứng dụng tiềm năng của điện toán lượng tử gồm việc giải các vấn đề tối ưu hóa, mô phỏng phân tử và vật liệu, phân tích dữ liệu lớn.

Baidu đã thành lập trung tâm nghiên cứu điện toán lượng tử vào năm 2018, do Duan Runyao đứng đầu. Duan Runyao nhận bằng cử nhân và tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa. Thành tựu của trung tâm nghiên cứu này là phát triển Qian Shi, máy tính lượng tử được ra mắt vào năm 2022.

BAQIS được thành lập vào tháng 12.2017 theo sáng kiến của chính quyền thủ đô Bắc Kinh và với sự đóng góp của các tổ chức học thuật hàng đầu, gồm cả Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Thanh Hoa.

Baidu và BAQIS trước đây đã hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu lượng tử. Tháng 3.2022, hai bên đã hợp tác để cùng thành lập liên minh sở hữu trí tuệ ngành điện toán lượng tử đầu tiên tại Trung Quốc.

Cả Alibaba và Baidu đều tặng phòng thí nghiệm lẫn thiết bị điện toán lượng tử - Ảnh: Internet

Động thái của Baidu theo sau hành động tương tự của Alibaba.

Vào tháng 11.2023, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba thông báo sẽ đóng cửa phòng thí nghiệm điện toán lượng tử và nhóm trong bộ phận nghiên cứu của mình do tái cơ cấu công ty rộng hơn, đồng thời tặng cả phòng thí nghiệm và thiết bị thí nghiệm liên quan cho Đại học Chiết Giang (Trung Quốc).

Việc Alibaba đóng cửa phòng thí nghiệm nghiên cứu điện toán lượng tử sẽ dẫn đến việc cắt giảm khoảng 30 việc làm. Một số người trong đó được Alibaba giúp tìm việc tại Đại học Chiết Giang.

Người phát ngôn của Học viện DAMO, sáng kiến nghiên cứu nội bộ của Alibaba gồm cả phòng thí nghiệm, cho biết học viện sẽ tiếp tục tập trung vào nghiên cứu công nghệ với mục tiêu trở thành người đi đầu trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI).

Một người am hiểu vấn đề nói với Reuters rằng phòng thí nghiệm này với 30 nhân viên chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong đội ngũ R&D (nghiên cứu & phát triển) tổng thể của Alibaba.

Nguồn tin Reuters cho biết Đại học Chiết Giang sẽ cố gắng tuyển dụng những nhân viên bị ảnh hưởng để thực hiện nghiên cứu lượng tử của riêng mình.

Học viện DAMO được Alibaba thành lập vào năm 2017 nhằm khám phá, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến như AI và học máy. Học viện từng được thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực như metaverse, robot và thiết kế chất bán dẫn.

Việc đóng cửa phòng thí nghiệm là thay đổi nội bộ gần đây của Alibaba. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Joseph Tsai và Giám đốc điều hành Eddie Wu, hai người bạn thân tín của Jack Ma (đồng sáng lập Alibaba).

Trước đó, Alibaba đã bắt đầu cải tổ hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của mình bằng cách đưa các chuyên gia kỳ cựu vào vị trí lãnh đạo mới.

Eddie Wu cho biết mỗi hoạt động kinh doanh của Alibaba sẽ đối mặt với thị trường một cách độc lập hơn và họ sẽ tiến hành đánh giá chiến lược để phân biệt giữa hoạt động kinh doanh "cốt lõi" với "không cốt lõi".

Trong khi tập trung vào Ernie Bot - chatbot AI tương tự ChatGPT của OpenAI, Baidu gặp khó khăn vì thương vụ mua lại Joyy với giá 3,6 tỉ USD thất bại.

Joyy là chủ sở hữu nền tảng phát trực tiếp nổi tiếng YY Live tại Trung Quốc và đã niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ).

Một trong những công ty liên kết với Baidu đã chấm dứt thỏa thuận đạt được hồi năm 2020 với Joyy.

Nỗ lực nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh phát trực tiếp tại Trung Quốc và đa dạng hóa nguồn doanh thu của Baidu đã chịu một đòn giáng mạnh với sự sụp đổ trong thương vụ mua lại Joyy theo kế hoạch.

Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kồng hôm 1.1, Baidu cho biết thỏa thuận trên đã thất bại vì hai bên không đáp ứng được một số điều kiện nhất định trước thời hạn cuối cùng là ngày 31.12.2023. Một trong số đó có việc không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thương vụ theo quy định.

Trong thông báo cùng ngày 1.1, Joyy cho biết đã nhận được thông báo về quyền hủy giao dịch từ phía công ty liên kết với Baidu.

Joyy hiện sở hữu một số nền tảng streaming và có khoảng 277 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu.

Vào tháng 11.2020, Baidu đã thông báo đồng ý mua YY Live trong nỗ lực tăng doanh thu từ các nguồn khác ngoài quảng cáo. Các bên dự kiến thỏa thuận sẽ kết thúc vào nửa đầu năm 2021.

Thời điểm đó, Robin Li (Giám đốc điều hành Baidu) cho hay thương vụ trên sẽ đưa Baidu trở thành nền tảng hàng đầu về phát trực tiếp, đồng thời đa dạng hóa nguồn doanh thu tại Trung Quốc.

Giống như các nền tảng phát trực tiếp khác ở Trung Quốc, YY Live kiếm tiền từ người dùng mua quà tặng ảo cho người biểu diễn.

Joyy báo cáo doanh thu ròng đạt 567,1 triệu USD trong quý 3/2023, giảm so với 586,7 triệu USD của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ phát trực tiếp của Joyy giảm gần 9% xuống còn 495,8 triệu USD.

Cuối tháng 12.2023 vừa qua, Baidu tuyên bố Ernie Bot đạt mốc phát triển quan trọng với 100 triệu người sử dụng sau 4 tháng trình làng phiên bản chính thức. Con số này được Wang Haifeng, Giám đốc công nghệ Baidu, nhắc đến tại hội nghị về công nghệ học sâu (deep learning) ở Bắc Kinh.

Baidu bắt đầu triển khai bản thử nghiệm Ernie Bot vào tháng 3.2023 và chính thức mở rộng cho công chúng từ cuối tháng 8.2023, sau khi được chính phủ Trung Quốc cấp phép hoạt động.

Tốc độ gia tăng người sử dụng Ernie Bot chậm hơn ChatGPT. Đầu năm nay, chabotAI của OpenAI chỉ cần hai tháng để đạt cột mốc tương tự. Tuy nhiên, thống kê của công ty phân tích Sensor Tower cho thấy sản phẩm của Baidu vẫn có thành tích tốt trong ngành công nghệ. Ví dụ, TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu mới đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất 2,5 năm và ứng dụng Google Translate cần 6,5 năm.

Theo Reuters, màn ra mắt hồi đầu năm 2023 của Ernie Bot không quá ấn tượng, nhưng vẫn giúp Baidu giành được vị thế của một công ty đi đầu lĩnh vực ở Trung Quốc, đặc biệt trong giai đoạn nhiều đối thủ trong nước và quốc tế tìm cách phát triển thị trường riêng. Gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc sau đó cũng tiến hành nhiều nâng cấp giúp Ernie Bot có lợi thế trong cuộc đua AI.

Vào tháng 6.2023, đại diện Baidu giới thiệu Ernie Bot 3.5, khẳng định nó có khả năng suy luật gấp 17 lần bản 3.0 và đủ sức cạnh tranh với ChatGPT chạy trên nền mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.5 ở một số thử nghiệm. Cụ thể, trong bài kiểm tra AGIEval do Microsoft phát hành bằng tiếng Trung với hơn 13.000 câu trắc nghiệm thuộc 50 chủ đề khác nhau, Ernie 3.5 đạt 64,37 điểm, cao hơn ChatGPT 24 điểm. Khi chuyển sang chủ đề tiếng Anh, Ernie 3.5 được 50,59 điểm, kém 15 điểm so với ChatGPT.

Đến tháng 10.2023, Baidu tiếp tục giới thiệu Ernie Bot 4, được cho là mạnh ngang ChatGPT chạy trên nền mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4. Theo Giám đốc điều hành Robin Li, sản phẩm thể hiện khả năng ấn tượng trong việc hiểu, trả lời câu hỏi phức tạp trong nhiều lĩnh vực, gồm cả toán học và tạo ảnh. Dù vậy, ông đánh giá việc chạy đua AI đang gây lãng phí nguồn lực xã hội. Robin Li nói thứ người dùng thực sự quan tâm là các ứng dụng AI hữu ích thay vì những mô hình ngôn ngữ lớn.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sau-alibaba-den-baidu-tang-phong-thi-nghiem-va-thiet-bi-dien-toan-luong-tu-212690.html