Sát sao với công việc

'Nếu không sát sao với công việc, không cụ thể, thời gian sẽ cứ trôi đi, nhưng thực hiện lại không hiệu quả'. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ như vậy khi làm việc với lãnh đạo một tỉnh phía Nam về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vneconomy)

Phó Thủ tướng đề nghị đại diện các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao có ý kiến trao đổi thẳng thắn, rõ ràng để có biện pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho địa phương, những vấn đề thuộc thẩm quyền chung thì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Rõ ràng, đây không chỉ là yêu cầu với riêng một địa phương nào; không chỉ với địa phương mà còn với các bộ, ngành Trung ương, với trách nhiệm “cung cấp” dịch vụ quản lý.

Khó khăn chính hiện nay ở địa phương nêu trên không chỉ là sản xuất công nghiệp sụt giảm, đơn hàng các mặt hàng chủ lực sụt giảm (hàng xuất nhập khẩu); kim ngạch xuất nhập khẩu giảm tương đối lớn. Điều đáng nói là, trong 10 kiến nghị của tỉnh từ cuộc làm việc tháng 5/2023, các bộ, ngành mới xử lý được 2; có 4 kiến nghị đang giải quyết… Như vậy, tiến độ chưa đạt như mong muốn, nếu không nói là chậm trễ.

Công bằng mà đánh giá thì bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn do thị trường nước ngoài bị thu hẹp nên xuất nhập khẩu khó khăn, cần phải tập trung khắc phục, nhất là cần tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ của thị trường trong nước, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, phát huy lợi thế của các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn... Tuy nhiên, có nguyên nhân từ cơ chế chính sách.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và DN; nguyên tắc “lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”. Tuy nhiên, tình hình cải thiện bị đánh giá còn chưa được như kỳ vọng.

Chính phủ cũng đã chỉ ra 4 nguyên nhân của sự chậm trễ: Đó là chúng ta chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra; “bệnh” quan liêu, xa dân...

Đáng lưu ý, một bộ phận cán bộ, công chức còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm... dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành tại chính quyền các cấp.

Và như vậy, tất cả càng cùng phải sâu sát thực tế, càng phải sát sao với công việc, đúng như Phó Thủ tướng đã chỉ đạo.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sat-sao-voi-cong-viec-post483009.html