Sát sao ôn tập trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học kỳ 2 là giai đoạn tăng tốc ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Nhiều biện pháp được triển khai như khai thác đề tham khảo, phân lớp ôn tập theo năng lực...

Giờ học trong giai đoạn tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên)

Khai thác hiệu quả nhưng không phụ thuộc đề tham khảo

Ngay từ đầu năm học, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đã xây dựng kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo các môn, nhà trường chuyển đến tất cả tổ, nhóm chuyên môn và học sinh lớp 12 của trường để tham khảo.

Chia sẻ điều này, cô Trương Thị Cẩm Thúy, Phó Hiệu trưởng đồng thời cho biết: Lãnh đạo nhà trường đã tổ chức họp tổ trưởng, nhóm trưởng các môn thi tốt nghiệp, chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn họp các thành viên tổ, nhóm phân tích dạng đề, mức độ, nội dung trong đề thi, từ đó điều chỉnh kế hoạch phù hợp với năng lực học sinh của trường.

Giáo viên định hướng, hướng dẫn cho học sinh làm quen với nhiều dạng đề khác nhau với nội dung có liên quan đến đơn vị kiến thức từ đề tham khảo, chuẩn bị những bộ đề thi thử để học sinh ôn tập và làm thử.

Tuy nhiên, cô Trương Thị Cẩm Thúy lưu ý, đề thi minh họa là định hướng trong việc ôn tập của giáo viên và học sinh. Thầy trò không nên dựa trên nội dung từng câu của đề tham khảo và rồi chỉ chỉ ôn tập các dạng đó.

Lý do, đề tham khảo giúp học sinh có định hướng cơ bản trong xây dựng nội dung ôn tập; nhưng mức độ đề có thể nhẹ nhàng hơn hoặc có khó hơn đề thi chính thức. Do đó, học sinh vẫn cần ôn tập thật tốt, chuẩn bị kiến thức vững vàng, không nên nhìn vào độ khó dễ của đề thi tham khảo mà chủ quan trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, kiến thức trong chương trình học khá rộng, người ra đề có thể ra những nội dung khác nhau trong chương trình. Nếu học sinh bám sát từng câu của đề tham khảo để chỉ ôn tập vào các dạng đó, tức “học tủ” theo đề tham khảo, thì khi vào gặp đề thi đề chính thức, các em sẽ bỡ ngỡ trong dùng từ, đặt câu khi cấu trúc câu hỏi có sự thay đổi.

“Ngoài đề tham khảo, giáo viên và học sinh cần tham khảo thêm đề thi chính thức của các năm liền kề để phát triển các nội dung có liên quan đến đơn vị kiến thức từ đề tham khảo”, cô Trương Thị Cẩm Thúy lưu ý thêm.

Với Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), chia sẻ của thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, nhà trường đã thông tin đến phụ huynh, học sinh về cấu trúc đề tham khảo, phương án và thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để phối hợp cùng quan tâm, đầu tư, động viên các em học tập.

Trong thời gian tổ chức ôn tập cho học sinh, nhà trường yêu cầu giáo viên chuẩn bị tốt hơn nội dung ôn tập. Trong đó có biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập; hướng dẫn, gợi ý trả lời, đáp án theo hướng dẫn của các môn học; sử dụng bộ đề của các trường qua Sở GD&ĐT…

“Cuối năm học, nhà trường sẽ chia lại các lớp theo năng lực học sinh để triển khai ôn tập hiệu quả hơn. Cùng với đó, điều chỉnh lại phân công giảng dạy và giáo viên chủ nhiệm, sao cho các thầy cô tốt nhất sẽ đứng lớp ôn thi tốt nghiệp THPT”, thầy Nguyễn Minh Đạo thông tin.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Lên kế hoạch tổng ôn giai đoạn “về đích”

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai ôn tập thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Lịch sử, nhóm trưởng nhóm giáo viên chủ nhiệm THPT Alpha Schools cho biết: Nhà trường đã lên kế hoạch học tập cho học sinh theo lộ trình cụ thể ngay từ khi bắt đầu lớp 10.

Học sinh được xếp lớp theo nhóm, dựa trên năng lực học tập của mỗi cá nhân. Khi kết thúc học kỳ I lớp 11, các em được trang bị kiến thức chuyên sâu ở các tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Giáo viên chủ nhiệm tận dụng tối đa 15 phút truy bài đầu giờ cùng ôn tập với học sinh trên lớp thông qua nhiều hình thức như học nhóm, thảo luận, kiểm tra ngắn… Thầy cô kịp thời thông tin về tình hình học tập của con trong ngày trên hệ thống Mega, đảm bảo cha mẹ học sinh nắm được thông tin về ý thức học tập, theo dõi được sự tiến bộ của con.

Học sinh lớp 12 được tham gia tối thiểu 3 kỳ thi khảo sát chất lượng. Ngoài việc thông báo điểm số đến cha mẹ học sinh, học sinh, thầy cô luôn ghi rõ nhận xét điểm mạnh, điểm cần cải thiện trong bài thi và làm việc 1-1 với học sinh, hướng dẫn cụ thể cách khắc phục.

Thầy cô sát sao với việc học tập của học sinh trên lớp, cũng như rèn khả năng tự học cho các em, khuyến khích học sinh học tập theo nhóm.

“Trong những ngày này, thầy cô tiếp tục ôn tập cho học sinh, rèn kỹ năng làm bài bám sát đề thi tham khảo. Để các em thể hiện tốt nhất ở bài thi tốt nghiệp, nhà trường lên kế hoạch tổng ôn cụ thể cho các con ở giai đoạn về đích.

Thầy cô bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh giám sát chặt chẽ việc học tập của các con, cam kết đồng hành tiếp sức, rèn bản lĩnh cho các con vững vàng trước kỳ thi thi quan trọng”, cô Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sat-sao-on-tap-truoc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post677802.html