Sắp có cơ chế đột phá cho VAMC xử lý nợ xấu?

Được mua bán nợ xấu thấp hơn nợ gốc và mua nợ theo giá thị trường, quy định này sẽ 'mở cửa' để VAMC đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19/2013 của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, Thông tư bổ sung quy định về nguyên tắc mua, bán nợ xấu của VAMC.

Cụ thể, việc mua nợ xấu của VAMC từ tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện theo giá trị thị trường.

Tính đến cuối năm ngoái, VAMC đã xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022.

Dự thảo Thông tư quy định điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường là: được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ; Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại NHNN…

VAMC chỉ được mua nợ xấu theo giá trị thị trường sau khi đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện được quy định; xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu (phải định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo); Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu; Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng bán nợ; Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Dự thảo Thông tư cũng quy định, VAMC bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu; được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân.

Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư có hiệu quả được tổ chức tín dụng xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Mua bán nợ theo giá trị thị trường được đánh giá là một trong những trụ cột trong các hoạt động của VAMC. Được triển khai từ năm 2017 đến nay, tuy nhiên, so với khối lượng nợ xấu cần xử lý thì hoạt động mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường vẫn còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm ngoái, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường đạt 1.755 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2022.

Nguyên nhân là do nguồn lực của VAMC còn khiêm tốn. Hiện, vốn điều lệ của VAMC chỉ có 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, sàn mua bán nợ bước đầu được khởi động, song con số giao dịch thành công quá nhỏ bé so với quy mô nợ xấu ước khoảng hơn 25 tỷ USD.

Mới đây, NHNN cho biết sẽ trình các cấp có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ cho VAMC lên 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để nâng cao năng lực tài chính và khả năng mua bán nợ.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/sap-co-co-che-dot-pha-cho-vamc-xu-ly-no-xau-1098872.html