Sập bẫy tín dụng đen khi vay tiền tại 'ngân hàng cột điện'

Tồn tại nhiều năm nay, tín dụng đen và hệ lụy đang diễn biến phức tạp bởi nhu cầu vay tiền nhanh của người dân.

Anh Đ.V.R, ngụ xã Sơn Kiên (Hòn Đất) làm nghề ngư phủ hơn 10 năm. Giá xăng, dầu tăng, thu nhập giảm, anh R tạm ngưng đi ghe để làm phụ hồ. Công việc không ổn định, số tiền kiếm được mỗi ngày hơn 150.000 đồng, phải lo cho gia đình 4 người.

Tháng 6-2022, vì có việc cần tiền gấp, anh R gọi vào số điện thoại cho vay tiền dán ở cột điện trước nhà. “Chủ số điện thoại là một người đàn ông, người này nói tôi vay được 30 triệu đồng, tiền lãi mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Tôi phải cung cấp địa chỉ nhà, số điện thoại của hai người thân và bản photocopy căn cước công dân. Những tháng sau đó, chỉ cần chậm trả lãi sẽ có số điện thoại lạ gọi đến chửi mắng, họ còn kéo nhiều người đến nhà và đe dọa không để gia đình tôi sống yên. Tiền lãi tăng sau mỗi lần trễ hẹn, có tháng tôi phải trả 3 triệu đồng. Vì không đủ tiền trả lãi và sợ họ sẽ làm hại người nhà, tôi vay mượn bạn bè trả hết nợ”, anh R kể.

Cả tiền gốc và lãi, anh R phải thanh toán đến tháng 1-2023 là hơn 48 triệu đồng.

“Ngân hàng cột điện” xuất hiện ở khu vực đông dân cư với những lời mời chào hấp dẫn.

Chị N.T.T.E, ngụ huyện Giồng Riềng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì cần tiền đóng học phí gấp cho con, chị E đã vay “ngân hàng cột điện” số tiền 25 triệu đồng, trả cả gốc lẫn lãi trong vòng 6 tháng là hơn 30 triệu đồng. Khi không đủ khả năng trả tiền lãi 2 triệu đồng/tháng, chị E bị đe dọa siết nhà và hành hung.

Chị P.T.M.L, ngụ xã Mỹ Phước (Hòn Đất) dù không phải là người trực tiếp vay mượn nhưng vẫn gặp rắc rối. Chị L cho biết, có nhiều số điện thoại lạ gọi đến nói em trai chị vay 50 triệu đồng nhưng đã 3 tháng không trả tiền lãi. Hiện số tiền lãi đã hơn 10 triệu đồng, yêu cầu chị L và gia đình phải trả nếu không sẽ chịu hậu quả nặng nề.

“Tôi có chặn cuộc gọi nhưng họ sử dụng rất nhiều số điện thoại lạ, không thể chặn hết. Gia đình tôi còn nhận được nhiều tin nhắn chửi bới, bị ném chất bẩn vào nhà và đe dọa gặp đâu đánh đó. Gia đình tôi phải chịu khủng bố suốt hơn một tháng, vì quá lo sợ nên chúng tôi đã gom góp tiền trả hết nợ cho em trai. Tổng số tiền gia đình tôi phải trả gần 70 triệu đồng”, chị L chia sẻ.

Trường hợp gặp rắc rối khi vay tiền ở các “ngân hàng cột điện” rất nhiều. Hình thức vay vốn này với nhiều lời mời chào hấp dẫn như “giải ngân trong ngày”, “thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp”, “lãi suất thấp”... dễ dàng thu hút người có nhu cầu xài tiền gấp. Không khó để bắt gặp những tờ quảng cáo này trên đường, gần khu dân cư, trường học hoặc những nơi tập trung đông người. Thậm chí những đối tượng xấu còn trả tiền hoa hồng cho người giới thiệu “con nợ” nhằm tăng khả năng tiếp cận và mở rộng địa bàn hoạt động.

Luật sư Đỗ Trúc Lâm - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Lâm Trí Việt (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên tự thỏa thuận lãi suất vay nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay hay 1,666%/tháng, nếu thu lãi vượt quá mức này thì được xem là cho vay nặng lãi và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Trường hợp nếu mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt số tiền từ 50 đến 200 triệu đồng. Nếu thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng thì mức phạt lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bên cạnh đó, nếu các đối tượng xấu gây sức ép, sử dụng bạo lực để đòi nợ tùy vào mức độ sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường các tổn thất về tài sản, tinh thần cho nạn nhân.

“Các nạn nhân không nên che giấu hành vi phạm tội của các đối tượng cho vay nặng lãi. Việc cần làm là lưu giữ chứng cứ, giấy tờ vay nợ, file ghi âm, hình ảnh, tin nhắn liên quan đến vụ việc. Khi nạn nhân bị đe dọa, vu khống, cưỡng đoạt và hành hung thì trình báo, tố giác đến công an địa phương gần nhất và kèm theo các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được. Các tài sản như nhà cửa, phương tiện bị hủy hoại, hư hỏng cần giữ nguyên hiện trường và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết”, luật sư Đỗ Trúc Lâm cho biết.

Bài và ảnh: TƯỜNG VI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//ban-doc/sap-bay-tin-dung-den-khi-vay-tien-tai-ngan-hang-cot-dien-12563.html