Sao mà nhớ mà thương một giọng hát

Nghệ sĩ ưu tú Quang Lý đột ngột ra đi, những người bạn thân thiết của anh buồn thương trào nước mắt. Quang Lý có một giọng hát đẹp trời cho và có một cuộc sống đẹp anh tự cho mình. Một con người rất dễ thương đã chia tay bè bạn đi ca hát ở một nơi rất xa.

NSƯT Quang Lý và tác giả Lê Thanh Phong (trái)

Hai tháng nay, Quang Lý làm nhiều việc để chuẩn bị ra mắt album nhạc kỷ niệm 40 năm ca hát có tên “Như khúc tình ca”. Mới tuần trước, anh gọi đến nhà, đưa cho xem những ca khúc anh chọn cho album: Thơ tình cuối mùa thu, Gửi gió cho mây ngàn bay, Biển cạn, Tình ca, Thuyền và biển…Dự án còn dang dở, anh đã đi rồi, người yêu giọng hát của anh không còn cơ hội nghe những khúc tình ca tuyệt vời anh dự định thể hiện trong “Như khúc tình ca”.

Bạn bè của Quang Lý đều yêu mến anh, yêu nụ cười hiền lành thường trực trên môi anh, yêu giọng nói nhỏ nhẹ của anh. Chơi với nhau nhiều năm, chưa bao giờ nghe anh to tiếng, chưa bao giờ nghe anh nói xấu một ai. Ngoài gia đình, Quang Lý dành hết thời gian cho âm nhạc, sống hết mình với bạn bè. Quang Lý không biết uống rượu, nhưng không bao giờ từ chối cuộc gọi nào của bạn thân. Anh đến, nhìn bạn bè uống rượu, rồi ôm đàn hát. Quang Lý hát trên sân khấu quá hay, nhưng khi ngồi với bạn, câu chuyện thật sâu, nghe Quang Lý hát mới sướng, mới tới.

Khoảnh khắc đời thường của nghệ sĩ Quang Lý bên bạn bè.

Chất nghệ sĩ của Quang Lý kín đáo bên trong, không phô phang bên ngoài. Anh yêu tranh, mê tranh, say tranh. Nhà mới của anh bên quận 7 – TPHCM có những không gian dành riêng cho tranh. Quang Lý rất thích mời bạn đến nhà ngắm tranh, rồi nghe anh đàn, nghe anh hát. Quang Lý không thích đám đông ồn ào với những ngợi ca phù phiếm, không vất vả vì hư danh. Cuộc sống của anh nhẹ tênh, nên anh ra đi cũng nhẹ tênh.

Biểu diễn các chương trình ca nhạc trong nước và quốc tế, sân khấu hoànH tráng, hát cùng dàn nhạc giao hưởng, làm nên một ca sĩ Quang Lý tên tuổi. Nhưng Quang Lý thích hát tặng những cộng đồng nhỏ, như muốn chia sẻ, tâm tình với những người yêu nhạc. Mới đây, nhân sinh nhật võ sư Nguyễn Văn Dũng, Quang Lý ra Huế, hát cho võ sinh của võ đường Nghĩa Dũng Karate một đêm. Buổi đó anh hát hay tuyệt, các võ sinh là sinh viên sung sướng khi được nghe anh hát mộc. Nhiều em còn mong anh có dịp ra lại Huế hát cho sinh viên nghe, anh cũng hứa sẽ ra Huế, anh rất yêu Huế. Nhưng sẽ không có ngày đó nữa, Quang Lý đã mãi mãi đi xa.

Thành danh trong sự nghiệp ca hát, tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ, nhưng chưa bao giờ Quang Lý to tát điều gì, dạy dỗ ai bao giờ. Ai cao giọng anh cũng chỉ cười, cười thực lòng, không hề mai mỉa. Ngay cả khi tham gia hội đồng giám khảo một số cuộc thi ca hát, Quang Lý chỉ phân tích đúng chuyên môn, không tỏ ra mình là bậc thầy lắm chuyện như người khác. Ở bất cứ nơi nào, anh cũng đứng lui sau người khác, cúi thấp hơn người khác, không phải khôn ngoan hay sử dụng nghệ thuật sống, đơn giản vì anh là người như thế. Nếu ai hỏi tính cách mạnh mẽ nhất trong con người nho nhã của Quang Lý là gì, bạn thân thiết của anh sẽ trả lời, sự khiêm tốn là tính cách mạnh nhất ở anh.

Còn nhớ sau khi sáng tác xong ca khúc “Sài Gòn chiều cuối năm”, Quang Lý gọi vài người bạn thân, anh ôm guitare ngồi bên góc nhà thờ Đức Bà, cất giọng hát: “Sài Gòn chiều cuối năm, sao bình yên đến thế. Những con đường góc phố hẹn hò. Sài Gòn chiều cuối năm, bầu trời cao xanh biếc, như mầu mắt em xanh. Hoa mai vàng nhà bên, thấp thoáng bóng em cười. Sao mà nhớ mà thương”.

Giờ cũng đã cuối năm rồi Quang Lý, vẫn còn đó con đường, góc phố, hoa mai và bầu trời. Vẫn còn đó đôi mắt ai xanh và tiếng ai cười, chỉ không có anh mà thôi. Sao mà nhớ mà thương.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/sao-ma-nho-ma-thuong-mot-giong-hat-616658.bld