Sao lại không viết về ngoại của các con ?

Biết tôi hay viết tin câu lạc bộ Trái tim người lính và một vài tờ báo, cô Hạ sỹ Minh Huệ, thời chống Mỹ là đồng đội của vợ tôi, hỏi tôi câu này. Tôi chột dạ im lặng giây lát vì bất ngờ, bâng khuâng không trả lời ngay. Tôi ầm ừ vì câu hỏi đúng, thầm trách mình. Bởi lâu nay, tôi cứ viết về đồng đội, về bản thân, về đồng bào chứ phía một nửa cuộc đời mình thì thiếu bình đẳng.

Bố vợ tôi, tên là Nguyễn Văn Lự. Cùng quê, cùng lứa tuổi với nhà thơ Cù Huy Cận (Ân Phú ,Vũ Quang, Hà Tĩnh). Thời thanh niên sôi nổi, ông đi dân công hỏa tuyến. Hoạt động vận tải cho Trung Hạ Lào. Nhiều nhất là Thặc Khét, Mụ Giạ. Tới ngày hai nước Việt Lào thắng Pháp, ông về làm ruộng và cưới bà Nguyễn Thị Hường- khai hoang lập địa, được một ít ruộng đất. Đến ngày phân hóa giai cấp, ông không bóc lột ai nhưng họ quy cho ông Thành phần trung nông. Văn hóa của ông chỉ có trình độ lớp 3 bình dân. Ông làm thầy giáo học vụ, dạy cho nhiều người chưa biết chữ sau cải cách ruộng đất. Từ đấy, người ta gọi cả ông bà tôn kính là ông bà Giáo.

CCB Đặng Sỹ Ngọc (bên trái)

CCB Đặng Sỹ Ngọc (bên trái)

Ông bà Giáo sinh thứ tự được 5 người con (một bề không có con trai). Mãi sau này ông giáo giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng ban kiểm soát và là đảng ủy viên của địa phương nhiều năm. Đến ngày nghỉ hưu ông giáo được cả làng xã yêu quý.

Người con gái đầu, là Nguyễn Thị Xuân. Lấy chồng sinh được sáu người con 4 trai hai gái. Cả bốn trai và một rể đều theo nhau vào quân đội. Đặc biệt con trai đầu của chị Xuân thông minh học giỏi, đến cấp Đại tá, phó tư lệnh bộ đội biên phòng, phụ trách hậu cần, đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay.

Chị thứ hai là Nguyễn Thị Liên, lấy chồng sinh được một con gái rồi anh chồng nhập ngũ vào sư đoàn 325. Anh cùng đơn vị bí mật vào Tây Nguyên hoạt động và hi sinh. Đến nay chưa tìm được hài cốt. Sau hàng chục năm chị đi bước nữa, có thêm hai con trai.

Chị thứ ba là Nguyễn Thị Cúc đi thanh niên xung phong 1965. Đơn vị của chị làm đường (không khác gì Bộ đội). Sau 3 năm chị Cúc chuyển ngành về một nông trường. Chồng chị là bộ đội nhập ngũ 1964 cũng là thương binh. Sinh được ba trai một gái. Có một trai đi Bộ đội Biên phòng.

Người thứ tư là Nguyễn Thị Hồng Vân. Học xong chương trình cấp 3. Hồng Vân nhập ngũ 1972 phục vụ chiến đấu ở Lào. Rồi lấy chồng là tôi (người viết tin này) - một thương binh nặng. Sinh được một trai hai gái. Cả ba con đều vào đại học. Con trai được quân đội đào tạo chính quy, là sĩ quan để phục vụ lâu dài bảo vệ đất nước.

Và cô gái thứ năm là Nguyễn Thị Kiều. Cô học hết phổ thông, lao động nông thôn rồi lấy chồng người gần xã cũng là bộ đội. Sinh được hai trai một gái.

Như vậy, ông bà Giáo nay đã trở thành người hiền. Bên ngoại của các con tôi đã đóng góp cho đất nước 01 liệt sĩ, 02 thương binh, 02 con gái cùng 7 cháu của ông bà đều là những người lính cụ Hồ.

Vậy, tại sao lại không viết phía ngoại của các con?.

Ngày 1-8-2023

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/sao-lai-khong-viet-ve-ngoai-cua-cac-con-a20136.html