Sao cứ phải là vàng?

Một sự kiện đang hâm nóng không chỉ giới mộ điệu mà cả nhiều giới trong những ngày đầu năm 2012: Giải bóng đá Super League.

Qua 5 vòng đấu, giải Super League 2012 đã có những nét mới dù chưa rõ ràng. Thay đổi dễ nhận thấy nhất là giờ thi đấu muộn hơn, dễ cho người hâm mộ theo dõi vào buổi chiều tối. Điều này làm tăng lượng khán giả và dần dần sẽ làm tăng doanh thu quảng cáo cho giải đấu. Ngoài ra, theo đánh giá của huấn luyện viên Vương Tiến Dũng, chất lượng các trận đấu, độ quyết liệt và sòng phẳng có nhỉnh hơn trước. Về phương diện quản lý, người ta bắt đầu thấy đơn vị tổ chức là Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) ít nhiều đã ghi điểm về điều hành.

Chính vì vậy, giờ là lúc người ta bắt đầu kỳ vọng Giải bóng đá vô địch quốc gia dưới sự tổ chức, điều hành của VPF sẽ thực sự thay đổi để có một diện mạo mới tích cực hơn, làm thay đổi định mệnh của bóng đá Việt Nam.

Định mệnh vàng, ngậm ngùi và ấm ức

Bóng đá đã theo chân những thủy thủ và binh sĩ người Âu du nhập vào Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ XIX. Bén rễ sâu như vậy, nhưng mỗi khi nhắc tới thành tích của bóng đá nước nhà, cảm giác ngậm ngùi xen lẫn ấm ức lại tràn về trong tim người hâm mộ. Nỗi khao khát một lần lên đỉnh chưa bao giờ được thỏa nguyện.

Sea Games lần thứ 16 tại Manila, Philippines năm 1991 là giải đấu đầu tiên bóng đá Việt Nam góp mặt trên đấu trường khu vực sau ngày thống nhất đất nước. Lần đó, đội tuyển Việt Nam đã xếp hạng bét ở vòng loại bảng B và sớm xách ba lô về nước do thay đổi nhiều cầu thủ vào phút cuối. Huấn luyện viên Nguyễn Sỹ Hiển đã tiếc nuối: “Nếu không có sự cố ấy, chúng ta chắc c hắn đã có huy chương”.

Câu nói này như một định mệnh đeo đuổi bóng đá Việt Nam cho tới giờ và không chừng còn nhiều năm nữa. Điệp khúc nếu thì đầy mộng ước cứ đến rồi đi như ngôi sao Mai hiện lên mỗi sáng, nhưng cái huy chương vàng vẫn như ngôi sao Hôm chưa một lần chạm tới chúng ta.

Chỉ nói ở cái ao làng Sea Games thôi chứ chẳng mơ cao World Cup hay nghĩ xa về Thế vận hội, chưa bao giờ tuyển Việt Nam đứng trên bục cao nhất. Trước mỗi kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, người hâm mộ cả nước luôn hy vọng và chờ đợi bóng đá Việt Nam sẽ giành được tấm huy chương vàng. Cơ hội đăng quang đã từng rất rộng mở cho đội U23 Việt Nam ở các kỳ Sea Games 22, 23 và 25. Nhưng tất cả đều trôi qua trong tiếc nuối và nhiều khi trong nỗi đau ê chề, ngay cả ở những thời điểm tưởng như thuận lợi nhất.

Vàng không thuộc về chúng ta, dù có nỗ lực chinh phục bao nhiêu đi nữa. Buồn. Nhưng chẳng lẽ ngồi đó ôm sầu và đợi chờ may mắn rớt xuống đầu các tuyển thủ?

Có thực mới vực được đạo

Barcelona đã giành tới 5 danh hiệu trong năm 2011 trước mũi Real Madrid. Họ cũng chính là đội vùi dập Manchester United trong trận chung kết Champions League ngay mùa trước đó. Nhưng chính 2 kẻ thất bại trước Barca là Real Madrid và Manchester United mới là 2 đội kiếm tiền hiệu quả hơn.

Theo thống kê của Sporting Intelligence, công ty nghiên cứu thị trường của Đức, dựa trên doanh số bán hàng thì Real Madrid và Manchester United là 2 đội bóng kiếm được tiền khủng nhất từ việc bán áo đấu. Từ năm 2005-2009, mỗi đội trung bình bán được khoảng 1,2 - 1,5 triệu chiếc/mùa giải.

Manchester United có lực lượng cổ động viên đông nhất thế giới, lên đến 330 triệu người, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á.

Không có cổ động viên đông như Manchester United nhưng Real Madrid lại chiêu mộ được những ngôi sao sáng giá nhất hành tinh. Chính sách phát triển của Real luôn gắn liền với những ngôi sao. Sau giai đoạn của Ronaldo (Brazil), Zidane, Beckham, Figo… Chủ tịch Florentino Perez đã bắt đầu xây dựng dải Ngân hà 2.0 bằng 2 cái tên cầu thủ nổi tiếng Cristiano Ronaldo và Kaka vào năm 2009. Hai ngôi sao này không chỉ được biết đến bởi tài năng mà còn vì rất đẹp trai. Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi áo đấu bán ra của Real Madrid tăng vù vù theo nhịp đập con tim các fan, trong đó có fan nữ.

Có thể thấy, những đội bóng như Manchester United và Real cũng đeo đuổi giấc mơ vàng vô địch, song nếu không có nó, họ vẫn có những quả ngọt khác từ việc tập trung đúng mức vào các mục tiêu kinh tế. Và chính những lợi ích kinh tế đó sẽ giúp nuôi dưỡng giấc mơ vàng trở nên khả thi hơn.

Tất nhiên, so sánh như thế là khập khiễng, song hướng tư duy bóng đá hiện đại kiểu đó là điều bóng đá Việt Nam có thể học hỏi. Nhiều năm qua chúng ta đã miệt mài chung thủy theo đuổi giấc mơ vàng. Tuy nhiên, chúng ta đã không hướng bóng đá tới việc tìm kiếm lợi ích kinh tế để giúp tới gần với vàng hơn.

Việc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời thay cho một Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ thiên về hành chính và thành tích có lẽ cũng là bước đi theo hướng học hỏi như vậy. Là một công ty, chắc chắn các kế hoạch kinh doanh, mục tiêu kinh tế sẽ được đặt lại ở một vị trí xứng đáng hơn. Bóng đá sẽ hướng tới việc thu lợi ích, tiền bạc để tự nuôi mình tốt hơn từ đó việc tới đích sẽ dễ dàng hơn. Có thực mới vực được đạo. (Tất nhiên, không phải theo kiểu tư lợi bằng cách bán độ).

Bóng đá Việt Nam cần có những khoản đầu tư lớn và lớn hơn nữa. Nhưng có thể những khoản đầu tư đó sẽ phải tính tới khoản lợi thu về trong từng giai đoạn. Tiền đầu tư bóng đá không phải vỏ hến trên bãi biển để có thể vương vãi theo mục tiêu mơ mộng duy nhất mà khi không đạt được nó, coi như lỗ trắng tay.

Cần phải có những mục tiêu song hành với giấc mơ vàng, để khoản đầu tư không trôi tuột vào hư vô trong nỗi tiếc nuối khôn nguôi và nỗi ấm ức cứ dày lên theo từng mùa Sea Games. Để một mai, thay vì nói câu “nếu không vì cái nọ thế kia, Việt Nam đã có vàng”, chúng ta có thể nói: “Nếu không được vàng, Việt Nam cũng được cái nọ, cái kia”.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11645