Sáng tạo từ 'đối thoại' với tranh khắc gỗ Nhật Bản

Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án 'Từ truyền thống tới truyền thống' và Quỹ Japan Foundation tổ chức khai mạc triển lãm 'Đối thoại với dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e'.

Tranh khắc gỗ là loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của Nhật Bản, còn được gọi dưới cái tên Phù thế hội. Dòng tranh này ra đời từ khoảng thế kỷ 17, được đánh giá cao về giá trị mỹ học, được phổ biến rộng rãi và trở thành một biểu tượng của hội họa xứ Phù Tang với nhiều tên tuổi xuất chúng. Thậm chí, dòng tranh này còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều danh họa phương Tây.

Sáng tạo từ “đối thoại” với tranh khắc gỗ Nhật Bản

Tham gia triển lãm có 34 tác giả là các họa sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tại Khoa Hội họa của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam với 38 tác phẩm tạo hình phản ánh những nét đặc sắc về văn hóa, cuộc sống của người Việt.

Tất cả các tác phẩm đều được sáng tác trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như: Lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang...

Thông qua triển lẵm, BTC mong muốn quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam

Thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế; đồng thời cũng là dịp để giới thiệu tới công chúng sản phẩm văn hóa được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và thế giới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/sang-tao-tu-doi-thoai-voi-tranh-khac-go-nhat-ban-216075.htm