Sáng suốt lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10

Học sinh lớp 9B Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa) đang ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023-2024. Ảnh: TRUNG HIẾU

Gần 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023-2024, hiện các trường đã cho học sinh lớp 9 đăng ký hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 và chuẩn bị hoàn tất chương trình học sớm, ôn tập để các em thi đạt kết quả cao nhất. Để phát huy kết quả học tập, các em cần chọn tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở thích bản thân.

Chọn tổ hợp phù hợp năng lực, định hướng

Theo quy định chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đối với học sinh khối lớp 10, ngoài học các môn bắt buộc, ngay từ đầu năm học, các em phải đăng ký tổ hợp các môn học tự chọn và lựa chọn cụm chuyên đề học tập. Vì thế, sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tất cả học sinh trúng tuyển vào các trường THPT đều được nhà trường tư vấn trực tiếp để các em chọn tổ hợp môn học, cụm chuyên đề học tập phù hợp với năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp.

Việc lựa chọn tổ hợp môn học rất quan trọng, bởi sẽ gắn bó với học sinh trong suốt 3 năm học THPT và các em sẽ không phải học một số môn ở các tổ hợp khác. Vì thế, việc lựa chọn những tổ hợp phù hợp với năng lực sẽ giúp các em phát huy được năng lực, học chuyên sâu.

Theo thầy Đỗ Thông, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An), để học sinh lựa chọn các môn học tổ hợp đúng với năng lực bản thân, sau khi các em trúng tuyển vào trường, nhà trường tổ chức tư vấn, định hướng trực tiếp cho từng em. Nhờ đó, qua gần một năm áp dụng chương trình GDPT 2018, hơn 350 học sinh khối lớp 10 năm học 2022-2023 của trường đến giờ chưa em nào có nguyện vọng xin chuyển học tổ hợp khác. “Để đảm bảo cho việc chọn tổ hợp, năm học 2023-2024, ngoài các môn học bắt buộc, cụm chuyên đề học tập, nhà trường tiếp tục giữ 7 tổ hợp của năm học 2022-2023 với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc) để học sinh chọn học”, thầy Đỗ Thông nói.

Huỳnh Thị Bảo Minh, lớp 9B Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa), cho biết: “Thông qua các trang mạng, thầy cô và anh chị khóa trước, em đã tìm hiểu chương trình GDPT 2018 dành cho khối lớp 10 THPT. Năm học 2023-2024, nếu thi đỗ vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, em sẽ chọn học tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và cụm chuyên đề các môn học: Toán, Hóa, Sinh”.

Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng phòng Giáo dục trung học - thường xuyên (Sở GD&ĐT), chương trình GDPT 2018 là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, khác so với giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1-9). Vì thế, chương trình sẽ có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp và Giáo dục địa phương. Ngoài ra, các em còn phải lựa chọn các cụm chuyên đề học tập khác nhau. Bên cạnh các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lựa chọn 4 môn học phân theo tổ hợp từ các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc). Tùy vào tình hình thực tế về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy, mỗi trường xây dựng các tổ hợp phù hợp để học sinh lựa chọn.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù trên danh nghĩa học sinh lựa chọn tổ hợp với các môn học phù hợp năng lực để học, nhưng thực tế nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh thường sắp xếp sẵn các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Hiện một số trường sắp xếp tổ hợp dựa vào việc đăng ký chọn môn học của học sinh, hay tùy vào tình hình thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như nhân sự hiện có của trường. Theo các trường THPT trên địa bàn tỉnh, nếu để học sinh tự lựa chọn từng môn học sẽ dẫn đến tình trạng có những môn học sinh chọn nhiều và cũng có những môn học sinh chọn ít, điều này dễ dẫn đến thừa, thiếu giáo viên theo mỗi môn học; đồng thời không đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện một số trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT 2018 dành cho khối lớp 10 ở các trường vẫn chưa có, nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc nên nhà trường không thể đưa những môn học đó vào tổ hợp cho học sinh lựa chọn học.

Thầy Cao Sỹ Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (TX Đông Hòa) cho biết: “Năm học 2022-2023, nhà trường xây dựng 7 tổ hợp để học sinh lựa chọn học. Đối với môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình GDPT 2018 nên không thể đưa vào tổ hợp”.

Cái khó của chương trình GDPT 2018 đối với khối THPT hiện nay là mỗi học sinh xin chuyển đổi tổ hợp môn học rất khó. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh muốn chuyển đổi tổ hợp phải thực hiện vào cuối năm học và yêu cầu học sinh trong thời gian nghỉ hè phải tự ôn tập bổ sung kiến thức. Nhà trường cũng phải có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu. Làm như vậy học sinh mới đảm bảo có kiến thức, đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nếu học sinh chọn các môn học tổ hợp không đúng với năng lực bản thân sẽ gặp nhiều khó khăn, vì các em đã hoàn thành năm học đầu tiên mà đổi môn thì lượng kiến thức phải bổ sung khá nhiều. Trong một thời gian, các em phải tự bổ sung kiến thức đối với môn học mới ở lớp dưới là điều không hề đơn giản vì các em còn phải học các môn khác. Vì thế, để học sinh bước vào lớp 10 chọn các môn học tổ hợp đúng với năng lực bản thân, các trường cần phải tư vấn, định hướng cho các em thật tốt.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ngô Ngọc Thư

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/298194/sang-suot-lua-chon-to-hop-khi-vao-lop-10.html