Sáng ngời phẩm chất người lính

Lòng căm thù giặc Mỹ - Ngụy sâu sắc đã thôi thúc cậu bé Phan Văn Hùng (1931, trú thôn La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sớm tham gia cách mạng, trả thù cho gia đình. Tuổi trẻ mưu trí, dũng cảm, Hùng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao, cùng đồng đội đánh thắng nhiều trận oanh liệt, tiêu diệt hàng ngàn quân địch góp phần giành độc lập cho nước nhà.

Lòng căm thù giặc Mỹ - Ngụy sâu sắc đã thôi thúc cậu bé Phan Văn Hùng (1931, trú thôn La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sớm tham gia cách mạng, trả thù cho gia đình. Tuổi trẻ mưu trí, dũng cảm, Hùng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao, cùng đồng đội đánh thắng nhiều trận oanh liệt, tiêu diệt hàng ngàn quân địch góp phần giành độc lập cho nước nhà.

Ông Hùng kể lại những trận đánh hào hùng tham gia cùng đơn vị.

Tuổi trẻ bất khuất

Từ nhỏ, Hùng đã cùng cha mẹ đào hầm bí mật nuôi giấu lực lượng cách mạng và người anh trai Phan Văn Hoặc (1927). Năm 16 tuổi, hay tin người anh trai bị giặc sát hại dã man, lòng căm thù trong Hùng trỗi dậy, quyết tâm tham gia cách mạng giết giặc trả thù. Được các đàn anh đào tạo làm trinh sát thông tin, năm 1947, ở tuổi 16, Hùng đã làm thông tin liên lạc cho ông Lương Thúy - Chủ tịch xã Hòa Lương (nay là xã Hòa Khương). Nhận thấy ở Hùng có nhiều tố chất hoạt động thông tin liên lạc, tháng 2-1948, Hùng được cấp trên cho gia nhập Biệt động thành Đà Nẵng, làm thông tin liên lạc cho Liên khu 5, lúc này đóng tại xã Quế Sơn 1 (nay thuộc tỉnh Quảng Nam).

"Chứng kiến giặc Mỹ - Ngụy đàn áp dân lành, sát hại cách mạng, tôi đã muốn tham gia cách mạng, nhưng do tuổi còn quá nhỏ nên cha mẹ không đồng ý. Sau khi nghe tin anh trai đã bị giặc sát hại, tôi quyết tâm tham gia cách mạng giết giặc trả thù cho anh. Tôi đành nói dối cha mẹ cho vào xã Quế Sơn 1 học, nhưng thực chất là tham gia hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ của tôi là theo dõi mọi nhất cử nhất động của giặc, truyền thông tin chỉ huy, đánh trận của lãnh đạo Liên khu 5 cho các đơn vị cấp cơ sở. Hoạt động cách mạng được vài tháng, tôi lại nghe tin dữ cha mẹ mình cũng đã bị giặc giết hại, lòng căm thù giặc càng thôi thúc tôi phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giết giặc trả thù cho gia đình. Hằng ngày, tôi cải trang thành đứa bé đi chăn trâu để bám dõi quân giặc, sau đó về báo cáo lại cho tổ chức. Nhờ được tổ chức huấn luyện kỹ lưỡng, trong quá trình hoạt động tôi chưa từng bị giặc phát hiện, giúp tổ chức cách mạng phối hợp, đánh thắng nhiều trận lớn, tiêu diệt quân địch tạo tiếng vang lớn", ông Hùng tâm sự.

Ông Hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng II, III.

Lập nhiều chiến công

Tháng 3-1950, ông Hùng được điều động về chiến đấu tại Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108, Sư đoàn 305 của Liên khu 5. Trong thời gian 1950 - 1954, ông đã cùng các chiến sĩ của đơn vị tiến đánh hàng chục trận giành thắng lợi ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, góp phần làm suy hao lực lượng địch, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang.

Nhắc về những trận đánh để lại những kỷ niệm đáng nhớ, ông Hùng kể: Tháng 6-1951, nhận lệnh từ Liên khu 5, Tiểu đoàn 19 làm chủ công tiến đánh căn cứ Com Plong (H. Ba Tơ, Quảng Ngãi). Sau khi khảo sát địa hình, Tiểu đoàn 19 bắt đầu đắp sa bàn địa hình giống căn cứ Com Plong để lập kế hoạch tác chiến. Nắm được những vị trí trọng yếu tại căn cứ, cấp trên đã phân công các đại đội hành quân suốt 3 ngày đêm tiếp cận, mật phục tại căn cứ. Khi nhận lệnh, tất cả các mũi đồng loạt tấn công vào cứ điểm, chỉ sau 2 giờ đã chiếm được căn cứ, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm quân địch, thu được nhiều vũ khí. Sau trận đánh này, lãnh đạo Liên khu 5 đánh giá rất cao tinh thần chiến đấu của Tiểu đoàn 19.

Vào những ngày trọng đại, ông Hùng đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Khương thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hi sinh.

"Sau những trận đánh giành thắng lợi vẻ vang, Tiểu đoàn 19 tiếp tục nhận lệnh của cấp trên làm chủ công tiến đánh căn cứ Măng Đen. Đây là căn cứ được phòng thủ rất kiên cố và vững chắc, là nơi đóng quân của hơn 1.000 quân địch, chi viện quân cho các cứ điểm khác ở khu vực Tây Nguyên khi bị tấn công. Do đó, nếu đánh thắng căn cứ này sẽ tạo đà để quân ta "đánh úp" các cứ điểm còn lại ở khu vực Tây Nguyên. Qua khảo sát địa hình nhận thấy căn cứ nằm giữa ngọn đồi, bao quanh là đồi núi cao, tạo thuận lợi cho quân ta mai phục tấn công. Trải qua 3 tháng trinh sát, nắm tình hình, quân ta bắt đầu lên kế hoạch tiến đánh. Lúc đó, gần 500 bộ đội thuộc Tiểu đoàn 19 âm thầm vận chuyển pháo, hỏa lực vây quanh căn cứ Măng Đen nhưng quân địch vẫn không hề hay biết. Còn tiểu đoàn 50 nhận lệnh phòng thủ vòng ngoài không cho địch có cơ hội tẩu thoát. Theo kế hoạch, quân ta sẽ tập trung hỏa lực đánh vào hệ thống thông tin và sân bay trước nhằm cô lập căn cứ, sau đó đồng loạt tấn công các cứ điểm quan trọng. Thực hiện đúng như kế hoạch tác chiến, qua 3 ngày bị giam tại căn cứ, quân địch đã ra đầu hàng. Trận đánh này quân ta tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 quân địch, thu được nhiều vũ khí. Sau khi chiếm được căn cứ Măng Đen, các tiểu đoàn khác đồng loạt đánh chiếm giải phóng được nhiều cứ điểm khác tại Kon Tum...", ông Hùng kể với giọng hào hùng.

Tiếp nối chiến công, ông Hùng cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ở khắp các tỉnh, TP khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sau đó, ông Hùng tập kết ra miền Bắc, làm Trung đội phó 12ly7, đoàn 250, Trung đội trưởng tập huấn chính trị, quân sự tại Quân khu Việt Bắc đến khi về hưu. Trở về địa phương, ông Hùng cũng tham gia HĐND xã Hòa Khương, làm Đội trưởng Đội sản xuất thôn La Châu, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Với những thành tích đạt được, ông Hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng II, III và được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân chương cao quý khác.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_239028_sang-ngoi-pham-chat-nguoi-linh.aspx