Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Trở về với đời thường, phát huy truyền thống vẻ vang, các cựu thanh niên xung phong trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, xây dựng tổ chức hội và tham gia các hoạt động 'Nghĩa tình đồng đội', 'Uống nước nhớ nguồn', giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, góp phần truyền lửa cho thế hệ trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Mạnh và Lường Thị Hương ôn lại những kỷ niệm khi tham gia TNXP.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Mạnh và Lường Thị Hương ôn lại những kỷ niệm khi tham gia TNXP.

Một thời không quên

Ngược dòng lịch sử, ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với 225 cán bộ đội viên là tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam sau này. Qua các thời kỳ, trên 50 vạn đội viên TNXP đã có nhiều đóng góp, hy sinh cả xương, máu, phá bom, vận chuyển vũ khí lương thực, đảm bảo giao thông ở các tuyến trọng điểm ác liệt, trực tiếp phục vụ các chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước.

Cùng với lực lượng thanh niên xung phong cả nước, lực lượng thanh niên xung phong Sơn La với hơn 3.000 người, tích cực làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng kinh tế, bảo vệ Tổ quốc.

Là thế hệ TNXP đầu tiên của tỉnh Sơn La, bà Lường Thị Hương, tổ 6, phường Chiềng Lề kể: Năm 1968, tôi 18 tuổi, xung phong tham gia lực lượng TNXP mở tuyến đường từ khu vực Chờ Lồng vào Kim Chung, Hang Mon, huyện Yên Châu. Hằng ngày, cứ sáng sớm, chúng tôi đã mang cuốc, xẻng, kíp mìn... vượt núi để phá đá mở đường. Dù khó khăn, gian khổ, nhưng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”, chúng tôi đã lao động hăng say, hết mình để hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ kế hoạch.

Còn bà Nguyễn Thị Mạnh, tổ 6, phường Chiềng Lề, tham gia TNXP năm 1972, khi mới 19 tuổi. Bà chia sẻ: Mới đầu vào TNXP, Đội chúng tôi được phân công tham gia mở tuyến đường từ Bình Thuận, huyện Thuận Châu đến Pá Uôn của huyện Quỳnh Nhai. Vì địa hình núi đá, hiểm trở, để mở đường, buổi sáng, chúng tôi chủ yếu dùng cuốc, xẻng, xà beng để đào những hố mìn, đến trưa thì tiến hành nổ mìn. Mỗi ngày chúng tôi đốt nổ được 13-14 hố mìn. Đến buổi chiều, chúng tôi nhanh chóng san, đào đất thành mặt đường.

Bà Mạnh cho biết thêm: Đến năm 1973, đội của chúng tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ về huyện Mai Sơn để đắp đập ngăn nước đào lòng hồ Tiền Phong. Thời điểm đó, Mỹ đánh bom liên tục nên chúng tôi chủ yếu làm đêm, với những dụng cụ thô sơ, thủ công như cuốc, sẻng, đan tre thành ky khiêng đất. Khó khăn nhất là việc đào lòng hồ, người ở dưới đào đất vào các ky tre cho những người ở trên kéo lên; có lúc tuột tay, đất đá rơi cả vào những người ở phía dưới, nhưng chúng tôi vẫn hăng say làm việc để hoàn thành đúng tiến độ. Những hôm trời mưa, chúng tôi lại tranh thủ dạy chữ cho đồng đội chưa biết chữ. Sau hơn một năm thi công, cùng với sự trợ giúp của Trung ương điều thêm phương tiện lên thi công, công trình hồ Tiền phong đã hoàn thành, đảm bảo nước tưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Gương mẫu trong đời thường

Ông Vũ Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, cho biết: Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La được thành lập năm 2005. Đến nay, có 10 tổ chức hội cấp huyện, thành phố và 2 ban liên lạc của huyện Bắc Yên và Vân Hồ, với tổng số 1.569 hội viên. Với vai trò là nhân chứng lịch sử - vì nghĩa tình đồng đội, Hội phối hợp với Tỉnh đoàn, các ngành chức năng tham mưu giải quyết các chế độ chính sách cho cựu TNXP; tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; phát động phong trào thi đua “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi” và “Quyên góp ủng hộ kinh phí để trùng tu tôn tạo Di tích lịch sử TNXP Ngã ba Cò Nòi”. Các cựu TNXP luôn phát huy truyền thống cách mạng, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào, các hoạt động tại địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Ảnh: PV

Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Ảnh: PV

Từ năm 2005 đến nay, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương TNXP và Huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác” cho 195 hội viên; tiếp nhận, chuyển trao trên 3,2 tỷ đồng hỗ trợ làm 50 nhà tình nghĩa, nhà “Đại đoàn kết”; tặng 89 sổ tiết kiệm, trị giá 357 triệu đồng và gần 2.000 suất quà, trị giá gần 1 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 84 hội viên cựu TNXP đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm. Cựu TNXP Tòng Văn Khoán, bản Bó Cằm, xã Hua La, chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3 ha cà phê, 300 cây mận chủ yếu chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân chuồng. Hằng năm, thu hoạch từ 25-30 tấn quả cà phê tươi, 10 tấn mận, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/năm, nên có điều kiện cho con, cháu ăn học trưởng thành. Ngoài ra, gia đình còn tạo việc làm mùa vụ cho 10 lao động địa phương.

Những câu chuyện của các cựu thanh niên xung phong cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước mãi là niềm tự hào cho các thế hệ trẻ noi theo, tích cực tham gia xây dựng quê hương Sơn La ngày càng giàu đẹp.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/sang-mai-tinh-than-thanh-nien-xung-phong-CZmmUKjVR.html