Sáng mãi phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ' trong đại dịch

Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay) ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc ta.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các đồngchí nguyên lãnh đạo LLVT tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập LLVT tỉnh. Ảnh: THANH LÂM

TỰ HÀO ĐỘI QUÂN VÌ NHÂN DÂN

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng, 5 giờ chiều ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo.

Từ đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay.

Chỉ 2 ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lập liên tiếp 2 chiến công oanh liệt: Hạ đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần, mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu” của Quân đội ta. Cũng từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một vị tướng cầm quân suốt cuộc trường chinh thế kỷ, trở thành người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân ta lập nên những chiến công vang dội.

Cùng với sự trưởng thành, phát triển lớn mạnh của Quân đội, Lực lượng vũ trang (LLVT) Tiền Giang sớm ra đời vào ngày 12-8-1940 tại ấp Miễu (ấp Long Bình B, xã Long Hưng). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân, chỉ trong một thời gian ngắn, những đội du kích tự vệ đã phát triển lên thành đại đội, tiểu đoàn, rồi nhiều tiểu đoàn; cùng nhân dân làm nên những chiến công oanh liệt như: Cổ Cò, Giồng Dứa, Kinh Bùi, Ba Rài, Ấp Bắc...

Bằng chiến tranh du kích, kết hợp với tác chiến tập trung của các đơn vị chủ lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đánh diệt nhiều tiểu đoàn địch, có cả tiểu đoàn lính Mỹ ở Hậu Mỹ - Cái Bè, căn cứ Đồng Tâm, vành đai Bình Đức; tiến công tổng hợp chuyển vùng, mở vùng căn cứ cách mạng năm 1972, góp phần vào chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 6-11-1978 LLVT Tiền Giang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với truyền thống qua 81 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, LLVT tỉnh nhà tiếp tục giữ vững và phát triển lên một tầm cao mới.

Điều đáng tự hào là ngày 27-5-2013, một lần nữa LLVT tỉnh Tiền Giang vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Điều đó đã minh chứng dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, LLVT Tiền Giang vẫn luôn vững vàng, tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương.

“XÔNG PHA” LÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ bộ đội cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng không ngại khổ, không ngại hiểm nguy “xông pha” lên tuyến đầu chống dịch để thực hiện “trách nhiệm phụng sự nhân dân”.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phân chia thực phẩm trong Phiên chợ Nghĩa tình quân - dân. Ảnh: THANH LÂM

Trong công tác phòng, chống dịch, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp nhận công dân từ Campuchia, Việt kiều về nước; các quyết định thành lập khung cách ly, khu vực cách ly, điều trị ở các cấp theo quy định, bảo đảm đủ năng lực hoạt động, do Quân sự chỉ huy, điều hành chung (kể cả khu cách ly ngoài doanh trại Quân đội); tổng lực lượng tham gia 827 đồng chí; thành lập tổ giám sát, đội cơ động phòng, chống dịch để giám sát cán bộ, nhân viên, chiến sĩ công tác, đi phép từ vùng có nguy cơ lây nhiễm cao; kiểm tra sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch bệnh; đồng thời, sẵn sàng cơ động phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Trong tâm dịch, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS các huyện, thành, thị cũng đã triển khai tổ chức tốt các phiên chợ nghĩa tình quân - dân ở các cấp.

Tính đến nay, đã có 40 phiên chợ (cấp tỉnh 6 phiên, cấp huyện 34 phiên) được tổ chức, với gần 10 ngàn phần quà, bao gồm các mặt hàng thiết yếu cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất bình quân từ 100.000 - 500.000 đồng), với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng từ nguồn quỹ đơn vị và vận động mạnh thường quân.

Qua đó, góp phần chia sẻ, động viên người dân an tâm, vượt qua đại dịch. Ngoài ra, theo hiệp đồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã điều động xe và cán bộ, chiến sĩ vận chuyển 20 tấn thanh long từ huyện Chợ Gạo lên TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ CHQS tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan về vận chuyển vắc xin Covid-19 theo chỉ đạo của Quân khu.

Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế và Công an tỉnh bảo đảm xe sẵn sàng vận chuyển vắc xin phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 năm 2021 - 2022; lập bản đồ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh…

Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp Sở Y tế, Công an tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam từ các quốc gia có dịch trở về cách ly trên địa bàn tỉnh 17 đợt, tổng số tiếp nhận gần 4.000 người. Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Tiền Giang cùng với các cơ quan chức năng trên địa bàn tích cực, khẩn trương truy vết, khoanh vùng dập dịch và chăm lo tốt công dân tại các khu cách ly y tế tập trung.

Bằng trách nhiệm và tình cảm, sự nỗ lực cao nhất, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tại khu cách ly đã không quản ngày đêm, chăm lo tận tình, chu đáo để người dân được cách ly an tâm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các ngành tuyên truyền cho công dân cách ly hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch Covid-19; định hướng thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với tinh thần “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực hết mình cùng toàn Đảng, toàn dân ta đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202112/ky-niem-77-nam-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22-12-1944-22-12-2021-sang-mai-pham-chat-bo-doi-cu-ho-trong-dai-dich-940994/