Sáng kiến thiết thực trong phòng, chống bạo lực học đường

Thời gian qua, trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh diễn ra không ít vụ bạo lực học đường. Trước tình hình này, từ tháng 9/2022 đến tháng 4/2023, cô Hoàng Thị Thùy Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến 'Giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong các trường THCS huyện Chi Lăng'.

Học sinh Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng thi rung chuông vàng tìm hiểu về phòng, chống bạo lực học đường

Theo số liệu thông kế của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ việc bạo lực học đường. Những vụ việc như trên khiến các bậc phụ huynh lo lắng và gây tâm lý bất an đối với học sinh.

Cô Hoàng Thị Thùy Nguyên cho biết: Bản thân làm công tác quản lý tại trường, tôi luôn trăn trở làm sao để học sinh và giáo viên có môi trường học tập, làm việc không bạo lực, chính vì vậy tôi đã nghiên cứu “Giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong các trường THCS huyện Chi Lăng”.

Bạo lực học đường thường xuất phát từ những học sinh có cá tính mạnh, thiếu thốn về tình cảm, vật chất… Chính vì vậy, tác giả xác định giải pháp “cảm hóa từ trái tim” là đặc biệt quan trọng. Tác giả đã tham mưu Ban giám hiệu phân công những giáo viên có chuyên môn, tâm huyết làm giáo viên chủ nhiệm, cùng đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nắm bắt tâm lý, phát hiện nguy cơ bạo lực học đường. Trên cơ sở kiến thức được chia sẻ, các giáo viên chủ nhiệm đã chủ động trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách, tâm tư, tình cảm của từng học sinh trong lớp. Với những học sinh có biểu hiện chưa ngoan, trốn học, tụ tập gây gổ… giáo viên thường xuyên quan tâm hỏi han, đôn đốc các em tích cực học tập, thực hiện tốt nội quy của trường, lớp, đồng thời khuyến khích những học sinh này tham gia hoạt động tập thể, thể hiện sở trường của bản thân về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên sẽ báo cáo nhà trường để quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho các em trong học tập. Nhờ sự thân thiện, tận tụy, luôn sẵn sàng lắng nghe mà giáo viên chủ nhiệm được học sinh tin tưởng, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của bản thân.

Cùng đó, tác giả đã tham mưu Ban giám hiệu nhà trường thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực; xây dựng và ban hành “Quy định về đạo đức nhà giáo”, “Quy tắc ứng xử văn hóa” với nội dung là những điều nên làm, không nên làm trong các mối quan hệ giao tiếp, ứng xử trong nhà trường. Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến nội quy, quy định đến toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh để cùng phối hợp thực hiện. Trường cũng bố trí hòm thư góp ý để học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kiến nghị, đề xuất nguyện vọng; cử cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường.

Song song với đó, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong học sinh về xây dựng văn hóa học đường; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống thông qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Qua đó, đã có hơn 20 hoạt động về phòng chống bạo lực học đường được nhà trường triển khai tổ chức. Nhà trường cũng tăng cường trao đổi, phối hợp với gia đình trong công tác thông tin về tình hình hoạt động của trường, lớp, quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Cùng đó, tích cực phát huy vai trò của tổ chức đoàn, đội trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi, tổ chức các hoạt động tình nguyện, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…

Sau 1 năm triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ không xảy ra bạo lực học đường (giảm 5 vụ so với năm học trước). Kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh toàn trường được nâng lên, số học sinh đạt hạnh kiểm tốt tăng, số học sinh có hạnh kiểm trung bình, yếu giảm rõ rệt. Một số học sinh cá biệt đã có những thay đổi tích cực về nhận thức và hành động, có tiến bộ trong học tập và rèn luyện, trở thành thành viên tích cực cảm hóa bạn yếu, bạn chưa ngoan. Cụ thể, toàn trường có 463 học sinh, kết thúc năm học 2022 - 2023, số học sinh hạnh kiểm yếu giảm từ 0,4% xuống 0%; học sinh có hạnh kiểm trung bình giảm từ 4,9% xuống 1,9%; học sinh có hạnh kiểm khá giảm từ 14,4% xuống 13,3%; học sinh đạt hạnh kiểm tốt tăng từ 80,3% lên 84,8%...

Em H.B.M lớp 9A (năm học 2022 – 2023) cho biết: Năm học trước em thường xuyên gây gổ, đánh nhau với các bạn khiến bố mẹ phải nhiều lần đến trường họp kỷ luật. Năm học 2022 – 2023, cô giáo chủ nhiệm đã nói chuyện, tâm sự với em rất nhiều, qua đó em hiểu được mình cần phải thay đổi. Cô đã động viên em tham gia các phong trào thể thao của nhà trường, tích cực học tập. Cuối năm học 2022 – 2023, em đã đạt hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, đạt giải khuyến khích tại cuộc thi học sinh giỏi môn Vật lý cấp huyện và cấp tỉnh.

Sau khi hoàn thiện, giải pháp phòng, chống bạo lực học đường của cô Hoàng Thị Thùy Nguyên đã được chia sẻ cho 12 trường THCS tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Tràng Định để nghiên cứu, áp dụng. Năm học 2023 – 2024, nhà trường tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục của nhà trường. Với ý nghĩa thiết thực mà sáng kiến mang lại, năm 2023, sáng kiến “Giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong các trường THCS huyện Chi Lăng” được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/sang-kien-thiet-thuc-trong-phong-chong-bao-luc-hoc-duong-5003763.html