Sản xuất xanh: 'Mắt xích' quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế

Sản xuất xanh đang là một 'mắt xích' quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững, được Chính phủ cụ thể hóa bằng chính sách và hành động.

Từng bước chuyển đổi nền kinh tế xanh

Theo các chuyên gia kinh tế, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách định hướng, kế hoạch phát triển bền vững, phát triển sản xuất xanh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - nhận định: Nhờ các chủ trương, chính sách trên, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch từ “nâu” sang nền kinh tế xanh. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, tích cực phát triển sản xuất xanh.

Hàng hóa của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn môi trường

Đặc biệt, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn môi trường của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, tạo ra sự tăng trưởng đột biến kinh tế thương mại quốc tế. Điển hình như doanh nghiệp Unilever Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện tự cung tự cấp điện năng từ năng lượng mặt trời, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất. Khoảng 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học; giảm 55% sử dụng nhựa nguyên sinh; 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế. Việc áp dụng sản xuất xanh đã giúp Unilever giảm tới 28% khí nhà kính. Công ty Vinamilk hưởng ứng sản xuất xanh đã giảm phát thải được 13 - 15% tổng lượng phát thải khí CO2 hàng năm…

“Nhờ có phát triển sản phẩm xanh đáp ứng quy định của các FTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian qua đã tăng trưởng đều và vượt bậc. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu” - PGS. TSKH Phạm Ngọc Đăng khẳng định.

Bên cạnh đó, trong 2 thập kỷ qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tiếp đạt các mốc kỷ lục mới. Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 trong các năm 2020 - 2021, hay bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn trên thế giới, xung đột địa chính trị và các nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái, bức tranh xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng, đưa nền kinh tế chuyển mình mạnh mẽ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2007 mới đạt khoảng 100 tỷ USD, đến năm 2022 đã tăng lên khoảng 700 tỷ USD, tăng 7 lần so với năm 2007.

Xét về phát triển kinh tế nói chung, trong hơn 12 năm qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh, đáng tự hào. GDP năm 2010 của Việt Nam chỉ đạt 116 tỷ USD, GDP năm 2022 đã tăng lên 409 tỷ USD, gấp hơn 3,5 lần GDP năm 2010. Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 498,58 USD đứng thứ 173/192 nước trên thế giới; đến năm 2021, đã tăng lên 3.791 USD, đứng thứ 124/192 nước trên thế giới. Như vậy, GDP bình quân đầu người Việt Nam từ vị trí thứ 173 lên 124, tăng 49 bậc.

Theo PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển động đúng hướng, đạt được các tiến bộ phát triển, bước đầu chuyển dần sang nền kinh tế hiện đại, sản xuất xanh. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phải thực hiện nền kinh tế “xanh” 100%. Mục tiêu này đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế và với các doanh nghiệp trong nước.

Thách thức lớn nhất phải kể đến với tỷ lệ gần 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, công nghệ, trình độ quản lý yếu kém, sẽ gặp trở ngại khi chuyển đổi sang công nghệ cao, công nghệ hiện đại…, chưa kể đến vấn đề thiếu công nghệ, tài chính cũng như nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có đủ hành lang pháp lý để phục vụ phát triển kinh tế xanh; thiếu Bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá mức độ xanh hóa sản xuất; thiếu nhiều quy định cụ thể, có tính luật hóa về các tiêu chí liên quan đến mức độ xanh hóa sản xuất… Đồng thời, thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh trong nước chưa đủ mạnh để tạo ra lực thúc đẩy sản xuất xanh như các nước phát triển, trong khi thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt cũng như yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu về “dấu vết carbon” cùng với giá thành phải đảm bảo cạnh tranh.

Làm gì để phát triển xanh?

Có thể nhận thấy, nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII vừa qua, Việt Nam đã rất thành công trong công tác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đặc biệt, hoạt động đối ngoại, ngoại giao quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Theo PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, sự kiện nâng cấp quan hệ đối tác giữa 2 nước Việt - Mỹ vượt bậc lên Đối tác Chiến lược toàn diện vừa qua chính là thời cơ tạo điều kiện cho nước ta phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế xanh, hiện đại để thành một trong những “con rồng” châu Á.

Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật như các chính sách về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh. Tuy vậy, để thúc đẩy phát triển sản xuất xanh, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh. Đồng thời, sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến khuyến khích đối với các doanh nghiệp tích cực phát triển sản xuất xanh, như cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh..., để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, giảm thuế và vay vốn lãi suất thấp. Bên cạnh đó, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh. “Nếu doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý ngại thay đổi, sẽ không đi xa được và có thể phải đối mặt với sự đào thải, khi không cạnh tranh được trên thị trường xanh và không thể tham gia xuất khẩu theo các FTA mới. Về phía người tiêu dùng, cần ý thức rõ trách nhiệm nâng cao xu hướng sử dụng sản phẩm xanh, góp phần mở thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất xanh” - PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng khẳng định.

Ngoài ra, cần phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…, đáp ứng kịp thời nhân lực khoa học - công nghệ giỏi để có thể cạnh tranh hàng hóa xanh trên thị trường FTA quốc tế. Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh; đào tạo, tập huấn doanh nghiệp về các nội dung kỹ thuật và công nghệ của tăng trưởng xanh; tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện sản xuất xanh; học tập kinh nghiệm nước ngoài, phát triển thị trường dịch vụ tư vấn kỹ thuật và giải pháp quản lý sản xuất xanh cho doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ xanh, Chính phủ cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có mức phát thải cao; miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa có mức phát thải thấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội trong tiêu dùng xanh, sẽ phát triển sản xuất xanh mạnh hơn, thành công trong cạnh tranh thương mại sản phẩm xanh quốc tế.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-xanh-mat-xich-quan-trong-trong-qua-trinh-phat-trien-kinh-te-286169.html