Sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng tăng

Trong 3 năm gần đây (2020-2022), lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước đã tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.

Thông tin này được Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nêu tại hội nghị “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2/11.

Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian tới.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương đã đồng hành và tạo ra các kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian qua như xây dựng được các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; thay đổi nhận thức, tư duy của người dân; tạo ra các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học và ứng dụng vào sản xuất”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng tăng

Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng tăng

Theo tổ chức CropLife Châu Á, trên quy mô toàn cầu, ngoài hơn 600 hoạt chất bảo vệ thực vật tổng hợp, hiện có khoảng 300 hoạt chất và sinh vật trừ sâu sinh học. Bắc Mỹ hiện tại là đang là khu vực có tỷ lệ ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cao nhất. Về mức độ sử dụng phổ biến, thuốc trừ sâu sinh học đang chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc hóa học có nguồn gốc tự nhiên chiếm 1/3 thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong giai đoạn 2005 - 2025; mức độ tăng trưởng thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học bình quân hàng năm là 10% trong khi tỷ lệ này của thuốc hóa học đang giảm 3% mỗi năm.

Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất; trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đến nay, nước ta đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thành phẩm khác nhau, trong đó có rất nhiều dạng tiên tiến và an toàn cho con người như dạng hạt phân tán trong nước, dầu phân tán, đậm đặc tan trong nước, dạng hạt.

Trong 3 năm gần đây (2020-2022) tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần qua các năm từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó, lượng thuốc bảo vệt hực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước vẫn được sử dụng ở mức ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện gặp một số khó khăn, thách thức. Theo đó, người dân vẫn quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít được lựa chọn do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học.

Cùng với đó, hiện chưa có các chính sách cụ thể để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ sinh học. Điều kiện sản xuất các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thảo mộc chưa được ưu tiên cắt giảm, nên việc đẩy mạnh phát triển các thuốc sinh học nhóm này còn khó khăn.

Do đó, để thúc đẩy sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ông Sơn cho rằng cơ quan chức năng cần rà soát đơn giản các thủ tục đăng ký. Bổ sung một số chính sách hỗ trợ khuyến khích và ưu đãi các các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, như: Hỗ trợ các thủ tục để tiếp nhận công nghệ, vay vốn, thuê đất làm nhà xưởng, các ưu đãi về thuế, phí để phát triển sản phẩm.

Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư theo hướng phát triển và khai thác những lợi thế từ các nguồn trong nước; đồng thời, bổ sung, ưu tiên các chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Về phía Cục Bảo vệ thực vật, ông Huỳnh Tất Đạt cho biết, đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; hỗ trợ nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhóm vi sinh, thảo mộc; xây dựng quy trình và hướng dẫn sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho một số cây trồng có giá trị kinh tế, tiềm năng xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp lựa chọn triển khai xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu; vùng có nguy cơ mất an toàn do sử dụng thuốc hóa học; vùng sản xuất hữu cơ, chuyên canh.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-va-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-ngay-cang-tang-282877.html