Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vẫn ở dạng tự phát

Thực hành sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn gắn với chuỗi liên kết là nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu nông sản một cách hiệu quả, bền vững.

Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu chủ đề: Nông sản Việt Nam vươn xa do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 26/5.

* Nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, Việt Nam có lợi thế sản xuất rất đa dạng các loại nông sản, đặc biệt là trái cây. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi nông dân thu hoạch xong không tiêu thụ được thì doanh nghiệp xuất khẩu lại không tìm được nguồn cung để xuất khẩu. Nút thắt nằm ở chất lượng nông sản và sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ.

Theo ông Tùng, sản lượng nông sản Việt Nam rất nhiều nhưng chất lượng không đồng đều, số nông sản đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi các thị trường, đặc biệt thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản không nhiều dù dư địa thị trường rộng mở. Các doanh nghiệp xuất khẩu muốn đảm bảo sản lượng, chất lượng cho các đơn hàng đều phải liên kết với vùng trồng một cách chặt chễ để kiểm soát được quy trình. Trong mối quan hệ hợp tác đó, cần sự cam kết và chia sẻ lợi ích từ cả hai phía bởi rất nhiều doanh nghiệp liên kết nông dân nhưng khi có biến động thị trường, doanh nghiệp hoặc nông dân bẻ kèo để thu lợi trước mắt thì rất khó để gắn bó lâu dài cùng nhau.

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp cho biết, một trong những xu hướng cải thiện chất lượng nông sản, giá trị kinh tế nông nghiệp là tổ chức sản xuất tuần hoàn theo chu trình khép kín. Theo đó, các sản phẩm, phế phụ phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản đều được sử dụng, tái chế, làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất tiếp theo, tạo thêm giá trị gia tăng và hạn chế tối đa lượng chất thải ra môi trường. Trên thực tế, lượng phụ phẩm nông nghiệp hàng năm của Việt Nam rất lớn nhưng hiện nay mới chỉ có phụ phẩm chế biến thủy sản được thu gom sử dụng gần như toàn bộ.

Theo Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, thời gian qua, một số mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn như: liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị, sản xuất rau, thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, nuôi tôm sú – lúa, tôm sú – rừng ngập mặn… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30% so với mô hình thông thường. Một số mô hình nông nghiệp xanh tiêu biểu như: kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy canh, hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20%; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, phát triển cánh đồng mẫu lớn, mô hình vườn – ao – chuồng hạn chế chất thải cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt.

Bên cạnh đó, sản xuất tuần hoàn cũng là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và tác động của hóa chất độc hại; phục hồi, cải thiện đất đai cho nông nghiệp xanh; tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, cho đến nay các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn vẫn ở dạng tự phát mà chưa có một cơ chế, chiến lược riêng để thúc đẩy và khuyến khích nhân rộng.

Để sản xuất tuần hoàn phát huy được hiệu quả trên quy mô rộng, tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp bền vững cả về chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, cần xây dựng cơ chế, chính sách mới khuyến khích các doanh nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp, thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của vùng, miền, ngành.

"Cùng với đó, xây dựng cơ chế đặc thù về nông nghiệp xanh cho vùng nguyên liệu lớn; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm của chuỗi sản xuất tuần hoàn có giá trị gia tăng trong việc xây dựng thương hiệu nông sản; đồng thời, nhà nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa của phụ phẩm tỏng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, của người làm nông nghiệp và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.", Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh nêu đề xuất.

*Đổi mới cách tiếp cận thị trường

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, ngoài chất lượng, một vấn đề khác ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu, giá trị cho nông sản Việt đó là tình trạng nông dân, doanh nghiệp cùng ngành nhưng mạnh ai nấy làm, nhất là khi thị trường khó khăn; nhiều doanh nghiệp tự hạ giá sản phẩm hoặc gian lận nguồn gốc để bán được vài đơn hàng trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả về sau.

Năng lực sản xuất lớn, thị trường rộng nên nông sản Việt còn nhiều cơ hội để vươn ra thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu mạnh thì chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi, căn bản nhất. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và thu hút sự chú ý của khách hàng quốc tế đối với nông sản Việt.

"Về vấn đề này, Việt Nam cần phải học hỏi Thái Lan, ví dụ khi gạo Thái Lan đạt giải gạo ngon nhất thế giới, đích thân vua Thái Lan đã quảng bá, kêu gọi sử dụng và tuyên bố sẽ cung cấp khắp thế giới sản phẩm này. Ngược lại, khi gạo ST25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới, doanh nghiệp vừa giới thiệu tới khách hàng Mỹ và nhận được phản hồi tích cực thì truyền thông trong nước xuất hiện thông tin gạo ST25 không đủ sản lượng để xuất khẩu, gạo bán đi nước ngoài là gạo giả…khiến việc phát triển thị trường xuất khẩu rất khó khăn.", ông Nguyễn Đình Tùng nêu góc nhìn.

Chia sẻ về các kênh thương mại, ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, ngoài các kênh thương mại truyền thống, hiện nay kinh doanh trực tuyến đanh phát triểm mạnh và dần trở thành kênh mua sắm được người tiêu dùng trẻ ưu tiên lựa chọn. Không chỉ có các sản phẩm thời trang, tiêu dùng mà nông sản cũng là mặt hàng có thể kinh doanh online hiệu quả.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, thời gian đầu có quan điểm cho rằng, kinh doanh trực tuyến chỉ thực hiện được các đơn hàng nhỏ lẻ, nhưng thực tế với sự phát triển của công nghệ, hiện nay kinh doanh trực tuyến trở thành một không gian kinh tế mới. Điển hình như: nền tảng Metaverse (vũ trụ ảo) hiện cho phép các đơn vị kinh doanh tổ chức các showroom, triển lãm quy mô lớn với đầy đủ các tính năng, trải nghiệm, thậm chí có thể điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu cá nhân. Đây là không gian kinh doanh hiện đại, đầy đủ tiện ích và tiết kiệm chi phí so với các kênh thương mại truyền thống. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm, khai thác không gian này để kinh doanh, mở rộng thị trường./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-xuat-nong-nghiep-tuan-hoan-van-o-dang-tu-phat/292519.html