Sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị đồng bộ

Hàng năm, diện tích gieo cấy ở Ninh Bình đạt gần 80 nghìn ha. Cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay, cơ bản vẫn duy trì việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống. Vì vậy, việc hình thành chuỗi liên kết đồng bộ trong sản xuất lúa gạo là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa lợi thế và tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trình diễn các loại máy cấy thế hệ mới trên đồng ruộng xã Đồng Hướng (Kim Sơn).

Trình diễn các loại máy cấy thế hệ mới trên đồng ruộng xã Đồng Hướng (Kim Sơn).

Hiệu quả từ mô hình

Năm 2019, mô hình thí điểm áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa được triển khai tại vùng sản xuất lúa tập trung 2,5 ha tại xã Khánh Trung (Yên Khánh). Mô hình được đưa vào sản xuất với phương thức tổ chức dịch vụ và chuyên môn hóa qua từng khâu. Khâu gieo mạ, sử dụng giàn máy gieo tự động. Các thao tác gieo mạ được thực hiện bằng máy bắt đầu từ khâu đưa giá thể vào khay, xả nước tạo độ ẩm, gieo mộng mạ vào khay, phủ đất lên bề mặt khay sau khi gieo. Nhờ đó, việc gieo mạ rất đơn giản, không quá vất vả và tốn nhân lực, không phục thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết như gieo mạ truyền thống.

Mạ gieo xong 100% được để ngoài môi trường tự nhiên để chăm sóc, tăng tính thích nghi và chịu đựng với điều kiện thời tiết. Ưu điểm vượt trội của phương pháp gieo mạ khay bằng giàn gieo tự động là tiết kiệm tối đa lượng giống (giảm gần 30% so với gieo mạ truyền thống), giảm công lao động (1 giàn máy gieo, với 5 lao động làm việc trong 1 giờ, gieo được gần 700 khay mạ, đáp ứng nguồn giống cấy cho diện tích trên 2 ha lúa). Đồng thời khi gieo mạ bằng khay giảm diện tích gieo mạ, vừa dễ chăm sóc, thuận lợi quản lý, bảo vệ mạ khi thời tiết bất thuận, rất tiện cho công tác quản lý, chăm sóc.

Hơn nữa, máy cấy lúa rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công lao động (bình quân một ngày máy cấy đạt 4 ha, bằng khoảng 80 lao động cấy bằng tay). Cùng với đó, cấy lúa bằng máy, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay và áp dụng quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ còn góp phần giảm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tăng thêm 15% giá trị gia tăng so với sản xuất truyền thống.

Xu thế tất yếu

Với diện tích gieo cấy nói trên, hàng năm tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 40 vạn tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại chỗ chỉ khoảng 1/3, như vậy còn 2/3 lượng lúa gạo là dư thừa chủ yếu lúa được tiêu thụ tự do giữa người sản xuất và các thương lái thu mua. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm nói chung và lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh nói riêng còn nhiều hạn chế, rủi ro.

Đã có một số doanh nghiệp liên kết với các đơn vị sản xuất để thu mua. Nhưng chỉ ở dạng, khi lúa chín, doanh nghiệp đến tổ chức thu mua theo giá thị trường, chưa có các hợp đồng từ đầu vụ để lên kế hoạch sản xuất chắc chắn. Chưa có sự ràng buộc trách nhiệm hai bên cũng như chia sẻ những rủi ro bất khả kháng trong quá trình sản xuất. Thiệt hại kinh tế chủ yếu đè lên vai người sản xuất.

Để phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, bài toán ở đây là cần có sự vào cuộc của nhiều bên: Hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân, cơ quan chức năng để cùng xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ. Doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất có trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành Nông nghiệp đảm nhiệm khâu tập huấn kỹ thuật cho người nông dân trực tiếp tham gia mô hình.

Chính quyền các cấp phối hợp tham gia điều hành quy hoạch vùng, thời vụ, HTX thực hiện tốt các khâu làm đất, nước, bảo vệ đồng ruộng. Người nông dân trực tiếp làm theo quy trình kỹ thuật đã hợp đồng. Cuối cùng là doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất đứng ra bao tiêu nông sản cho nông dân.

Trên cơ sở thành công với mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bôợ̉ vụ đông xuân tại xã Khánh Trung (Yên Khánh), vụ mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tiếp tục mở rộng ra các địa bàn trong tỉnh. Cụ thể tại xã Yên Nhân (Yên Mô), mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa giống được triển khai trên quy mô 130 ha. Trong đó sản xuất lúa giống có diện tích là 80 ha, lúa thương phẩm là 50 ha. Bằng các giống lúa chất lượng, có tiềm năng năng suất cao và thị trường ưa chuộng như Nếp Hương, Hương Bình, DQ11, J03.

Như vậy, vụ mùa này, nhiều địa phương đã tổ chức sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ ở các xã Khánh Trung, Khánh Thành (Yên Khánh) có 710 ha; Yên Nhân (Yên Mô) 130 ha; xã Ninh Khang (Hoa Lư) khoảng 80 ha, xã Đồng Hướng (Kim Sơn) khoảng 20 ha; các huyện Nho Quan và Gia Viễn, mỗi huyện khoảng 25 ha.

Đồng chí Lê Thị Linh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Hướng tích hợp đa giá trị trong chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững là xu thế tất yếu, bởi tiến trình cơ giới hóa đồng bộ quy trình từ gieo cấy, đến chế biến sau thu hoạch sẽ nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích là mong muốn chính đáng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người nông dân từ lâu nay.

Áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ còn góp phần chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất (các tổ dịch vụ HTX vận hành theo hình thức sản xuất mới), hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, hóa chất vô cơ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, góp phần cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, người nông dân dần dần được giải phóng sức lao động vất vả truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đinh Văn Khiêm chia sẻ: Giai đoạn 2016- 2021, nhiều chính sách của Trung ương và tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp Ninh Bình, đạt những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng của ngành bình quân cả giai đoạn là 2,02% năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác liên tục tăng nhanh và vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp từ nhỏ, lẻ, manh mún dần chuyển đổi sang tập trung, quy mô hợp lý.

Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới theo hướng hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tạo nên các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Kết quả, đã hình thành một số chuỗi giá trị nông sản trong sản xuất lúa gạo, rau quả, dược liệu, hoa cây cảnh, chăn nuôi, thủy sản… và mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, chuỗi giá trị còn ngắn, chưa khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; một số chuỗi có tính liên kết kém bền vững.

Để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 với định hướng phát huy lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp tại 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp.

Cùng với đó, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022- 2025 để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong Đề án. Trong đó chú trọng đến danh mục các chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc sản lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Theo đó, quy định 16 chính sách cụ thể góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, thu hút sự tham gia tích cực của các thành phần trong chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bài, ảnh: Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-xuat-lua-gao-theo-chuoi-gia-tri-dong-bo/d20220725082635386.htm