Sản xuất lâm nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế

Thực hiện chủ trương phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng và cụ thể hóa Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế càng cần thiết và là xu thế tất yếu.

Kiểm tra chất lượng cây quế giống trước khi xuất vườn.

Kiểm tra chất lượng cây quế giống trước khi xuất vườn.

Ông Tô Mạnh Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) cho rằng, để lâm sản đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, phải biết các tiêu chuẩn hoặc yêu cầu của thị trường nhập khẩu sản phẩm đó. Đối với lâm sản được nhập khẩu vào các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản được phân chia thành 2 loại, gồm sản phẩm gỗ, đồ gỗ và các sản phẩm sản xuất từ tre, nứa; lâm sản ngoài gỗ như quế, hồi, sa nhân...

Sản phẩm gỗ, đồ gỗ và các sản phẩm sản xuất từ tre, nứa phải được cấp chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council). Đây là chứng chỉ uy tín trên toàn thế giới, được dùng cho các nhà quản lý rừng hoặc những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Theo yêu cầu của phát triển bền vững, hiện nay có 3 loại chứng chỉ FSC, gồm FMC (Forest Management Certificate) - chứng nhận quyền bảo vệ rừng, cung cấp cho các khu rừng của một quốc gia khi đã đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế; CoC (Chain of Custidy Certificate) - chứng nhận cho chuỗi sản phẩm; FSC-CoC/CW (FSC-Chain of Custody/Control Wood Certificate) - chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, đánh giá nguồn gốc gỗ có kiểm soát.

Luồng Bảo Yên được cấp chứng chỉ FSC-CoC/CW.

Luồng Bảo Yên được cấp chứng chỉ FSC-CoC/CW.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ có duy nhất Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên được cấp chứng chỉ FSC-CoC/CW cho 5.831,9 ha rừng (3.681,62 ha keo và 2.150,34 ha tre, luồng). Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: Từ khi thực hiện trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn FSC đã góp phần gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: Bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Minh chứng rõ nét là sản lượng gỗ tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước đây, giá bán gỗ có chứng chỉ FSC tăng 15% - 20%/m3 (tăng từ 150.000 đến 200.000 đồng/m3 gỗ) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45 - 50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8 - 10 năm).

Đối với một số lâm sản ngoài gỗ được sử dụng làm gia vị trong thực phẩm, như quế, hồi, sa nhân... tỉnh đã định hướng cho các địa phương triển khai quy hoạch, xây dựng để đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ (còn gọi là tiêu chuẩn Organic). Để đạt tiêu chuẩn này, yêu cầu đặt ra với các sản phẩm là “6 không”, gồm không chất độc hại, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc chất diệt nấm, nếu có sử dụng thì thuốc phải thuộc danh sách được phép sử dụng; không sử dụng nước bẩn, nước bùn cống hoặc phân bón hóa học; không sử dụng giống biến đổi Gen (GMOs); không thuốc kháng sinh; không chất kích thích và thuốc tăng trưởng; không xử lý bằng chiếu, bức xạ nhiệt. Tuy nhiên, vẫn được dùng một số loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón tổng hợp đã được cho phép. Tiêu chuẩn Organic của mỗi thị trường khác nhau, ví dụ như USDA (Mỹ), Organic EU (châu Âu), Organic JAS (Nhật Bản) … phải đáp ứng các chỉ số định lượng cụ thể theo bộ tiêu chuẩn và được bên thứ 3 đánh giá, xác nhận.

Hướng dẫn người dân khai thác nhựa bồ đề.

Hướng dẫn người dân khai thác nhựa bồ đề.

Thực tế những năm qua, Lào Cai đã xây dựng chứng chỉ hữu cơ cho sản phẩm vỏ quế và các sản phẩm này được tổ chức Control Union tại Thái Lan đánh giá và cấp chứng nhận. Tổ chức Control Union đã cấp chứng chỉ hữu cơ cho 3.621 ha quế, trong đó có 2.247 ha tại Bắc Hà (Công ty Hương gia vị Sơn Hà) và 1.374 ha tại Văn Bàn (Công ty Quế hồi Việt Nam - Vinasamex).

Mặc dù một số lâm sản của tỉnh đã được cấp chứng nhận quốc tế uy tín, nhưng để phổ rộng hơn thì còn nhiều khó khăn và thách thức. Đó là, nhận thức của người dân về sản xuất lâm nghiệp theo các tiêu chuẩn của thị trường còn hạn chế; các hình thức tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp) chưa được quan tâm; việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ lâm sản chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng theo hợp đồng và thường bị phá hợp đồng khi có biến động của thị trường; chưa có chính sách xúc tiến thị trường quốc tế và thúc đẩy chuỗi giá trị lâm sản…

“Lào Cai có tiềm năng lớn về lâm nghiệp và cơ hội xuất khẩu lâm sản vào các thị trường thế giới đang mở rộng. Tuy nhiên, trước khi bước chân vào được thị trường thế giới, lâm sản của tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn mà thị trường trong nước và quốc tế đặt ra”, Ông Tô Mạnh Tiến nói.

Do vậy, ngoài các sản phẩm đã được xây dựng tiêu chuẩn quốc tế như FSC, Organic cho gỗ keo, tre luồng, quế, trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn và các địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, bởi sau khi được cấp chứng nhận, các tổ chức cấp chứng nhận quốc tế sẽ định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn cụ thể, nếu không đạt sẽ thu hồi chứng nhận. Tiếp tục mở rộng diện tích rừng gỗ, quế, tre, luồng để được chứng nhận, riêng diện tích quế cần đạt 50% diện tích có chứng nhận Organic vào năm 2050. Xây dựng chứng nhận Organic cho các sản phẩm măng, sa nhân, hồi... và tiêu chuẩn GACP - WHO cho các sản phẩm dược liệu dưới tán rừng; tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm lâm sản dưới tán rừng chế biến thành các sản phẩm dựa trên văn hóa bản địa, như thuốc tắm người Dao đỏ, các loại trà...

Mặc dù một số lâm sản của tỉnh đã được cấp chứng nhận quốc tế uy tín, nhưng để phổ rộng hơn thì còn nhiều khó khăn và thách thức.

Mặc dù một số lâm sản của tỉnh đã được cấp chứng nhận quốc tế uy tín, nhưng để phổ rộng hơn thì còn nhiều khó khăn và thách thức.

“Thường xuyên cập nhật yêu cầu của thị trường lâm sản thế giới để có cơ sở quyết định lựa chọn xây dựng các chứng chỉ quốc tế cho lâm sản Lào Cai; không chỉ có FSC, Organic, mà có thể nghiên cứu xây dựng để được công nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC FM), chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC CoC)…”, Ông Tô Mạnh Tiến khẳng định.

Nội dung: Thanh Nam

Trình bày: Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360630-san-xuat-lam-nghiep-theo-tieu-chuan-quoc-te