Sản xuất hữu cơ - hướng đi bền vững của nông nghiệp

Vài năm trở lại đây, cụm từ 'nông nghiệp hữu cơ' là từ khóa mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn La, nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế.

“Sản xuất xanh”

Tháng 1/2018, HTX Nông trại hữu cơ bản Pa Cốp, xã Vân Hồ (Vân Hồ) được thành lập với 7 thành viên, là một trong những HTX tiên phong của tỉnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đến nay, HTX có 10 thành viên, canh tác 21 ha cam đường canh, 4 ha cây bưởi ruby và cam Vinh.

Anh Vũ Hùng Cường, Giám đốc HTX, cho biết: Trong quy trình chăm sóc cây ăn quả, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chế phẩm HTX dùng để phun cho toàn bộ diện tích cây cam đường canh, cam Vinh được nhập từ Nhật, là dạng khuẩn sinh học. Định kỳ cho cây cam “ăn” đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ chung cá, nấm tạo ra phân hữu cơ. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm cam đường canh của HTX được xuất khẩu sang Nhật với giá hợp đồng là 55.000 đồng/kg (ký hợp đồng 5 năm, thông qua Công ty cổ phần đầu tư thương mại Sen xanh). Trung bình, mỗi ha cam đường canh có năng suất 14 tấn/ha, doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 440 triệu đồng.

Người dân xã Hát Lót (Mai Sơn) ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Người dân xã Hát Lót (Mai Sơn) ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 35 ha rau, cây ăn quả đã được cấp chứng nhận hữu cơ, 155 ha đang được sản xuất theo hướng hữu cơ. Xây dựng, duy trì 197 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó có 159 chuỗi cung ứng sản phẩm cây trồng, sản lượng trên 30.000 tấn. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của các HTX, như: HTX sinh thái Nà Sản, HTX Ngọc Lan (Mai Sơn), HTX sản xuất rau an toàn Ta Niết (Mộc Châu) đã có những sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ được thị trường biết đến, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các siêu thị Hà Nội và một số tỉnh khác.

Quy trình sản xuất chặt chẽ

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng nên yêu cầu canh tác khá khắt khe. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn), cho biết: Chúng tôi có 5 ha thanh long được trồng theo hướng hữu cơ. Trước đây, người dân chủ yếu dùng phân bón vô cơ, đất bị thoái hóa, một số loại sâu bệnh kháng thuốc, nên khi bắt đầu chuyển sang dùng phân hữu cơ, chi phí cao gấp đôi. Hơn nữa, cần phải có hệ thống tưới ẩm tốt và từ năm thứ 3 trở đi, các loại vi sinh vật có ích mới phát triển mạnh, khi đó sản phẩm mới thực sự có chất lượng và mẫu mã đẹp.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thông tin: Rất nhiều HTX khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp không ít khó khăn. Do việc sản xuất hữu cơ đòi rất nhiều tiêu chí, như: Phải có thời gian nhất định để thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ rõ ràng về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất phải có thời gian từ 3-5 năm mới được công nhận là sản phẩm hữu cơ. Khi sản phẩm chưa được công nhận là sản phẩm hữu cơ thì giá cả không có sự chênh lệch so với các sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống...

Để triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn, năm 2018, tỉnh Sơn La đã mời gọi Tập đoàn Quế Lâm tham gia triển khai các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020. Theo đó, trong 2 năm, tỉnh đã hỗ trợ 98 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xây dựng 245 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; 12 mô hình ủ phân hữu cơ trên địa bàn 12 huyện, thành phố với số lượng 13.000 tấn. Qua theo dõi, đánh giá các mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng tỷ lệ các loại vi sinh vật trong đất làm đất tơi xốp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá bán sản phẩm tăng hơn từ 10-30% so với sản phẩm khác.

HTX Ngọc Lan (Mai Sơn) tham gia thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Sau hơn 2 năm triển khai đến nay HTX đã có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn bán ra thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX cho biết: Thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, bước đầu có 12 thành viên tham gia với quy mô 5 ha xoài LG4 và 5 ha bưởi da xanh ở bản Noong Xôm và Nà Cang, được hỗ trợ 8 tấn phân hữu cơ/ha và được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn cách ủ phân chuồng từ men vi sinh và sử dụng phế phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây ăn quả. Hiện các thành viên của HTX đã nắm chắc quy trình chăm sóc vườn cây ăn quả bằng phân hữu cơ. Đặc biệt, phân hữu cơ phân giải tạo ra chất mùn làm đất tơi xốp, thông thoáng, tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích phát triển, hạn chế các vi sinh vật gây hại cây trồng, tạo cho trái cây chất lượng ngày càng cao hơn.

Định hướng cho sản xuất hữu cơ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhấn mạnh: “Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhận định: Sơn La đã có những mô hình cây trồng và con nuôi theo hướng hữu cơ. Qua việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, mời gọi doanh nghiệp liên doanh, liên kết phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của từng địa phương, kết quả đã có nhiều sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP, đây chính là những sản phẩm hữu cơ mà tỉnh đang từng bước khẳng định.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh những giải pháp triển khai chỉ đạo, thực hiện sản xuất hữu cơ. Trước hết, tăng cường công tác tổ chức sản xuất, truy xuất các sản phẩm an toàn, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của địa phương. Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ, chủ động mời gọi, tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp liên kết với các HTX sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ...

Với những lợi ích thiết thực về cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và giá trị sản phẩm, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Ngoài các cơ chế, chính sách của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để làm thay đổi thói quen sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ, cũng như thói quen lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dựa trên cơ sở chuỗi giá trị.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/san-xuat-huu-co--huong-di-ben-vung-cua-nong-nghiep-39549