Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng trở lại

Nhờ những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất nên sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VnEconomy)

Theo báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 12 và 12 tháng năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 12 tiếp tục có những tín hiệu tích cực dù chưa tăng trưởng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trở lại.

Trong tháng 12/2023, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của nước ta đạt 48,9 điểm, vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành suy giảm tháng thứ tư liên tiếp do nhu cầu yếu tiếp tục góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới tháng thứ hai liên tiếp, tương ứng với đó là sản lượng giảm.

Tuy nhiên, so với mức 47,3 điểm trong tháng 11, tốc độ suy giảm của ngành sản xuất của nước ta đã có dấu hiệu chậm hơn. Nhìn chung chỉ số PMI trung bình của năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid -19 vào năm 2020.

Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm của các doanh nghiệp sản xuất nên sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực.

Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2023 cơ bản ổn định so với tháng trước khi chỉ tăng 0,1% nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 5,8%, là một trong những tháng có mức tăng cao gần nhất kể từ đầu năm (chỉ sau mức tăng 7% của tháng 02/2023).

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,9%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,5%; riêng ngành khai khoáng giảm 12,8%.

Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp của cả nước nên tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,4%) nhưng đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực trong sản xuất công nghiệp (lũy kế từ đầu năm đến hết 8 tháng, IIP đều giảm; lũy kế 9 tháng, IIP chỉ tăng 0,2%). Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,3%; sản xuất kim loại tăng 7,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,2%; dệt tăng 7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6,1%....

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 10,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 1,6%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với năm trước: Quảng Ninh tăng 30,3%; Bắc Giang tăng 20,8%; Phú Thọ tăng 18,5%; Nam Định tăng 14,8%; Kiên Giang tăng 14,2%; Hà Nam tăng 13,9%; Hải Phòng tăng 13,4%;.

Trong khi đó, địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 138,5%; Trà Vinh tăng 40,8%; Ninh Thuận tăng 15,1%; Quảng Ninh tăng 12,9%; Phú Thọ tăng 9,3%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Hòa Bình tăng 0,3%; Quảng Nam giảm 26,8%; Bắc Ninh giảm 11,3%; Vĩnh Long giảm 9,4%; Sóc Trăng giảm 6,1%; Lào Cai giảm 4%; Đà Nẵng giảm 3,7%.

Trong khi đó, địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm: Sơn La giảm 26,1%; Hà Giang giảm 21,6%; Lai Châu giảm 20,8%; Quảng Nam giảm 18,7%; Hòa Bình giảm 14,7%; Lào Cai giảm 11,1%...

- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,1% của năm 2022.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 là 87,5%, cao hơn so với tỷ lệ là 78,1% của năm 2022.

Như vậy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp, trong khi tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 cao hơn so với năm 2022 cho thấy những khó khăn trong sản xuất công nghiệp.

Lê Hải - Như Trường

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-va-tang-truong-tro-lai-d203293.html