Sàn việc làm quốc gia vá lỗ hổng cung - cầu lao động

Việt Nam có hệ thống dịch vụ việc làm phủ kín các tỉnh, thành nhưng thiếu sự đồng bộ khiến chất lượng kết nối cung - cầu lao động chưa cao.

Theo tìm hiểu của PV, các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) do ngành LĐ-TB&XH quản lý được tổ chức giao dịch việc làm hằng ngày với nhiều hình thức như: Phiên giao dịch việc làm định kỳ cố định tại trụ sở chính, giao dịch việc làm lưu động, theo chuyên đề, trực tuyến…

Người lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm. Ảnh: VLHN

Kênh kết nối lao động còn “lệch pha”

Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy từ năm 2010 đến hết tháng 6-2023, hệ thống các TTDVVL trên cả nước đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 40 triệu lượt người. Trong đó, số người có việc làm chỉ khoảng 9 triệu lượt.

Con số trên cho thấy sự “lệch pha” trong kết nối cung - cầu, người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để đi đến thỏa thuận ký hợp đồng. Đại diện một TTDVVL nhận định đây là hệ quả của việc tổ chức dịch vụ việc làm manh mún, nhỏ lẻ.

82

TTDVVL công và 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Do chất lượng kết nối cung - cầu chưa cao, thị trường lao động vẫn thiếu kết nối giữa các địa phương.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng chính những vấn đề nêu trên cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước vì thiếu thông tin về NLĐ, việc làm để hoạch định chính sách, nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm. Từ đó, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc của NLĐ.

“Hiện các tỉnh, thành có nhu cầu tuyển dụng lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... không tuyển được lao động trên địa bàn. Trong khi đó, các tỉnh, thành có nguồn lao động lớn như Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Tiền Giang..., NLĐ lại không tìm được việc làm trong tỉnh. Điều này dẫn tới mất cân đối cung - cầu lao động trên cả nước…” - Bộ LĐ-TB&XH dẫn chứng.

Cạnh đó, 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm lại tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Đối tượng tư vấn chính của họ là lao động quản lý, có kinh nghiệm, trình độ cao để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Có một thực tế là doanh nghiệp “khát” lao động nhưng người lao động lại nói không có việc làm.”

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Cần thiết có sàn giao dịch việc làm quốc gia

Để giải quyết các bất cập trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã đề xuất Chính phủ phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia. Theo đó, dịch vụ việc làm công và tư sẽ có sự kết nối nhằm tăng tính hiệu quả. Khi đó, hệ thống sẽ cung cấp thông tin chi tiết về việc làm cho người tìm việc và cung cấp thông tin về NLĐ cho nhà tuyển dụng.

Ưu điểm của sàn giao dịch việc làm là giúp đăng tin tuyển dụng nhanh chóng, miễn phí, tiết kiệm thời gian tuyển dụng cho doanh nghiệp và NLĐ; giảm chi phí tuyển dụng và chi phí tìm việc cho hai bên. Đây cũng là cách làm công khai, minh bạch, thu hút được nhiều lao động chất lượng, lao động tiềm năng…

“Với các ưu điểm trên, chúng tôi cho rằng cần sớm có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với nguồn nhân lực lao động và người sử dụng lao động, cho cả khu vực công lập và tư nhân. Từ đó, góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập…” - đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội, ủng hộ đề xuất trên của Bộ LĐ-TB&XH. Theo ông Thành, thủ đô cũng như nhiều tỉnh, thành khác đang chủ động kết nối cung - cầu lao động. Song để tăng tính hiệu quả cần có “người cầm trịch” việc này.

“Có một thực tế là doanh nghiệp “khát” lao động nhưng NLĐ lại nói không có việc làm. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt về các địa phương để vận động người thất nghiệp tham gia phỏng vấn. Đáng nói là họ không mặn mà tìm việc trong khi vẫn nói không có việc làm. Tôi nghĩ cần có thêm cơ quan nghiên cứu để đánh giá lại xem mong muốn của NLĐ là gì, từ đó có cách giải quyết việc làm cho họ” - ông Thành đề xuất.•

Các quốc gia triển khai dịch vụ việc làm như thế nào?

Mỹ: Bộ Lao động Mỹ đang vận hành và quản lý hệ thống 0*NET trực tuyến tại https://www.onetonline.org/, chuyên cập nhật và cung cấp thông tin về nghề nghiệp, diễn biến của thị trường lao động. 0*NET là một cơ sở dữ liệu về các yêu cầu nghề nghiệp và thuộc tính của NLĐ, mô tả các nghề nghiệp về các mặt kỹ năng, kiến thức cần thiết, cách thức thực hiện công việc.

Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc xây dựng một hệ thống thông tin việc làm quốc gia KEIS được kết nối với các doanh nghiệp dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cho phép doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và NLĐ nộp đơn xin việc dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống còn ứng dụng AI để đề xuất các công việc phù hợp dựa trên các thông tin của NLĐ và thông tin tuyển dụng.

Ấn Độ: Từ năm 2015, Ấn Độ triển khai dịch vụ hướng nghiệp quốc gia (NCS; https://www.ncs.gov.in) nhằm thúc đẩy hoạt động tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho NLĐ.

NCS là một nền tảng miễn phí nhằm kết nối NLĐ và nhà tuyển dụng nhiều ngành nghề, hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp, cung cấp thông tin về các khóa học phát triển kỹ năng cho NLĐ.

NGUYỄN THẢO

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-viec-lam-quoc-gia-va-lo-hong-cung-cau-lao-dong-post781403.html