Sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là quá trình nỗ lực cao độ, khắc phục nhiều khó khăn, gian khổ của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, của các cấp lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường, của quân và dân hai miền Nam - Bắc. Trong đó, sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc có vai trò quan trọng, quyết định quy mô và mức độ thắng lợi của cuộc Tổng tiến công.

Tăng cường sức mạnh chiến đấu

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Đảng đã xác định miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam, sớm định hướng xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa. “Đây là quyết tâm đúng đắn, là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược”.

Đoàn xe vận tải 559 đưa hàng hóa vào chiến trường miền Nam, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Nguồn: TL

Đoàn xe vận tải 559 đưa hàng hóa vào chiến trường miền Nam, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Nguồn: TL

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, các lực lượng vũ trang nhân dân đã kiện toàn, tăng cường sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, nhất là công tác huấn luyện, tuyển quân, xây dựng các đơn vị dự bị cơ động chiến lược, đáp ứng yêu cầu bổ sung quân cho chiến trường miền Nam theo kế hoạch tác chiến. TS. Nguyễn Văn Quang, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, công tác chuẩn bị chi viện nhân lực, vật lực của hậu phương miền Bắc cho cuộc tổng tiến công lớn ở miền Nam được chuẩn bị từ rất sớm, đến cuối năm 1967, đầu năm 1968 trở thành một chiến dịch.

Cụ thể, ngày 19.3.1967, Binh chủng Đặc công - lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam - chính thức được thành lập, kịp thời huấn luyện gần 4.000 chiến sĩ đặc công, đào tạo và bổ sung hơn 1.100 cán bộ trung đội, đại đội và tiểu đoàn, tăng cường cho miền Nam 2.500 cán bộ, chiến sĩ. Bộ Tổng Tham mưu còn chỉ đạo Quân chủng Hải quân thành lập thêm một số đoàn tàu vận tải “Không số”, huấn luyện và tăng cường cán bộ, chiến sĩ gan dạ, kiên trung sẵn sàng nhận mệnh lệnh chở vũ khí, đạn dược, thuốc men theo đường biển vào chi viện cho các mặt trận Khu 5, Khu 9, miền Đông Nam Bộ… Quân chủng Phòng không - Không quân thành lập Tiểu đoàn máy bay vận tải IL14, sẵn sàng chi viện cho mặt trận Trị Thiên Huế…

“Để tăng cường lực lượng chiến đấu trên các mặt trận, hướng tiến công và các tuyến trọng điểm trên chiến trường miền Nam, công tác tuyển quân, động viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến… được tiến hành rầm rộ và khí thế trên toàn miền Bắc. Năm 1967, miền Bắc động viên được gần 10 vạn cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành nhiều trung đoàn, sư đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật; lực lượng Quân giải phóng lên tới 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương, chưa kể dân quân, du kích, tự vệ, an ninh…”, TS. Nguyễn Văn Quang dẫn chứng.

“Cả nước ra trận”, “toàn dân đánh Mỹ, cứu nước”

Mặc dù chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt nhưng nhân dân miền Bắc vẫn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp, công nghiệp, nhất là công nghiệp quốc phòng và các loại hình kinh tế khác. TS. Nguyễn Văn Quang cho biết thêm, trong quá trình chuẩn bị, năm 1967, miền Bắc đã huy động được khối lượng lớn vật chất - kỹ thuật, gồm 25 vạn tấn lương thực và hoa màu các loại; hơn 2,5 tấn thực phẩm; 5,6 tấn muối cùng nhiều hàng hóa dân sinh khác. Tiếp đó, trong vụ Đông - Xuân 1968, các địa phương đã đóng góp cho chiến trường hơn 30 vạn tấn lương thực; 3,2 vạn tấn thực phẩm.

Số liệu thống kê và thực tế cho thấy, để có được lương thực chi viện cho tiền tuyến miền Nam, 1 tấn lương thực từ hậu phương miền Bắc khi vào đến chiến trường Trị - Thiên thì hậu phương miền Bắc đã phải chuẩn bị 12 tấn, chưa kể đến sự hy sinh xương máu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm công tác vận chuyển. PGS.TS Ngô Minh Oanh nhấn mạnh: “Để vận chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến miền Nam, hậu phương miền Bắc đã tập trung củng cố phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy… huy động tất cả khả năng giao thông vận tải để tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm vận chuyển kịp thời, đầy đủ”.

Đặc biệt, trên tuyến đường vận tải Trường Sơn, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ làm nòng cốt bảo đảm giao thông vận tải, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường miền Nam, với nước bạn Lào và hậu phương miền Bắc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn 559 đã chủ động, sáng tạo sử dụng mọi phương tiện, biện pháp đẩy mạnh chi viện cho các chiến trường; mở mới và củng cố tuyến vận tải cơ giới gần 1.000km đường trục chính, 445km đường trục phụ, 822km đường trục ngang tỏa ra các chiến trường, 560km đường vòng tránh, đường dự bị, hình thành thế trận giao thông liên hoàn, vững chắc.

Ở các địa phương miền Bắc, phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng” đã ghi tên hàng triệu người tham gia. Trên các tuyến giao thông có phong trào “xe chưa qua, nhà không tiếc”, trên đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn nổi lên phong trào “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. “Đây không chỉ là những khẩu hiệu có sức động viên, cổ vũ rất lớn, mà còn là phương hướng hành động của hàng chục triệu quần chúng hậu phương miền Bắc sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh vì miền Nam thân yêu, vì độc lập tự do của Tổ quốc với tinh thần “cả nước ra trận”, “toàn dân đánh Mỹ, cứu nước”, PGS.TS Ngô Minh Oanh khẳng định.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/san-sang-vi-mien-nam-ruot-thit-i315658/