Sẵn sàng các phương án ứng cứu, đảm bảo tính mạng, tài sản người dân trong mưa lũ

Chiều nay (8/8), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền núi phía Bắc. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về tình hình thiệt hại do mưa lũ và công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo báo cáo, từ ngày 2 - 8/8, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra mưa lớn, kéo dài, đất ngấm đủ nước gây sạt lở tại nhiều địa phương như: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La… làm thiệt hại về người, tài sản của người dân; vùi lấp, cuốn trôi nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp; giao thông nhiều tỉnh bị chia cắt; hư hỏng hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trụ sở các cơ quan, đơn vị. Trước tình hình mưa lũ, thiên tai, các tỉnh đã triển khai công tác PCTT&TKCN kịp thời, chủ động. Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT&TKCN đã chỉ đạo Ban Chỉ huy các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai đồng bộ các giải pháp ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, từ ngày 2 - 8/8, thiên tai đã gây thiệt hại 120 nhà ở; gần 90ha lúa mùa, gần 113ha ngô, sắn rau màu bị vùi lấp, cuốn trôi; 32 con gia súc bị chết; 4,573ha thủy sản bị cuốn trôi; 4 điểm trường bị ảnh hưởng. Mưa lũ làm 5,581km đường bị sạt lở; 104.323m3 đất đá sạt lở xuống đường; 12.555m3 đường nhựa bị hư hỏng. Sạt lở đất khiến 18 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 2,88km kênh mương bị sạt, trôi, hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 31,2 tỷ đồng.

Để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại và huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục thiệt hại mưa lũ, đảm bảo ổn định đời sống người dân; tập trung sửa chữa, đảm bảo thông tuyến các tuyến giao thông bị ách tắc; tổ chức điều tiết giao thông để người dân, phương tiện đi lại an toàn. Tổ chức lực lượng giám sát việc đi lại của người dân và phương tiện khi đi qua các ngầm tràn, nước lũ chảy xiết và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; sớm khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới quốc gia; đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du, nhất là hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu. Các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá và tổ chức di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Phát huy mạng lưới truyền thông cơ sở để thông báo, cảnh báo người dân về tình hình mưa lũ, đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo về tình hình mưa lũ để chủ động các phương án phòng chống. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh tiếp tục chủ động, sẵn sàng các phương án ứng cứu, đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân khi có sự cố mưa lũ xảy ra.

Tin, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/phong-chong-thien-tai/208067/san-sang-cac-phuong-an-ung-cuu-dam-bao-tinh-mang-tai-san-nguoi-dan-trong-mua-lu