Sản phụ được nghỉ 6 tháng để nuôi con

(ĐVO) Luật lao động (sửa đổi) hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, trong khi các luật cùng được thông qua trong phiên họp chiều nay có hiệu lực sớm hơn (từ ngày 1/1/2013).

Chiều nay, Quốc hội thông qua một loạt dự luật như Luật Giáo dục Đại học, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Lao động (sửa đổi)…

Trong đó, Luật Lao động (sửa đổi) đã được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao (466/467 phiếu). Tuy nhiên, Luật lao động (sửa đổi) hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, trong khi các luật cùng được thông qua trong phiên họp chiều nay có hiệu lực sớm hơn (từ ngày 1/1/2013).

Luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua có một số điều mới, được Quốc hội thông qua như sau:

Về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ bảy nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai đến tháng thứ bảy, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động.

Đặc biệt, mọi lao động nữ ở mọi vùng miền trên đất nước đều được nghỉ 6 tháng sau khi sinh để cho con bú, nhằm đảm bảo giống nòi và khởi đầu công bằng về thể chất với mọi trẻ em. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Về thời giờ làm việc thông thường, người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần. Trong trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong một ngày. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Về hợp đồng lao động, phải được giao kết theo một trong các loại hợp đồng không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Trong đó, hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Luat-lao-dong-sua-doi-co-hieu-luc-cham-hon-luat-khac/20126/217529.datviet