Sản phẩm OCOP góp phần giữ vững tiêu chí nông thôn mới

Thời gian qua, huyện Gò Công Tây rất chú trọng thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương và cũng là nền tảng góp phần giữ vững tiêu chí nông thôn mới.40 SẢN PHẨM ĐẠT OCOP

Huyện Gò Công Tây hiện có 40 sản phẩm OCOP, phấn đấu có 70 sản phẩm vào năm 2025.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, huyện Gò Công Tây đã triển khai đến UBND 12 xã, thị trấn lồng ghép chương trình với các cuộc họp sơ kết tình hình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện còn cử cán bộ phụ trách OCOP cấp huyện, xã và các chủ thể sản xuất tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức, với 200 lượt người tham dự, nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, công chức phụ trách Chương trình OCOP.

Kết quả, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP tại huyện Gò Công Tây đã mang lại hiệu quả tích cực. Chương trình đã trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Hiện tại, toàn huyện Gò Công Tây có khoảng 40 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 22 sản phẩm OCOP 4 sao và 18 sản phẩm OCOP 3 sao. Tính đến tháng 9-2023, 11/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sản phẩm OCOP được công nhận với 15 chủ thể tham gia sản xuất (có 7 doanh nghiệp và 8 cơ sở sản xuất).

Các sản phẩm OCOP là những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm cũng như thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Gò Công Tây. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng với nguồn gốc rõ ràng đã nhanh chống khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực.

Đơn cử như Công ty TNHH MTV Mắm Bà Hai Diễm là chủ thể sản xuất của 5 sản phẩm OCOP 4 sao gồm các loại mắm: Cá cơm, ruốc, ruốc xào sả ớt, tôm chua, tôm chà đã được nhiều người đón nhận. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, công ty đã đầu tư trang thiết bị cũng như thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để chuẩn hóa sản xuất.

Bà Huỳnh Thị Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Bà Hai Diễm cho biết: “Để đạt được chuẩn OCOP 4 sao, công ty đã đầu tư nhiều về quy trình sản xuất sao cho được chuẩn hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tiêu chuẩn ISO. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty sau khi được công nhận OCOP 4 sao dễ dàng tiếp cận với các đại lý phân phối cũng như các siêu thị trong và ngoài tỉnh”.

Qua thực hiện sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Tây được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thành công và giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập…

HƯỚNG ĐẾN 70 SẢN PHẨM VÀO NĂM 2025

Thời gian qua, huyện Gò Công Tây đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ tem OCOP cho các chủ thể sau khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Sản xuất sản phẩm OCOP giúp nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ các chủ thể sản phẩm trưng bày và quảng bá sản phẩm; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại hộ Tần Thanh Tâm (ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu) với tổng kinh phí 60,3 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và 4 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chả lụa, yến sào, rượu, hoa quả sấy dẻo…

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, các chủ thể sản xuất OCOP trên địa bàn huyện được hỗ trợ tham gia các phiên hội chợ tiếp xúc thương mại do Sở Công thương và Sở NN&PTNT tổ chức để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tham gia trên sàn giao dịch thương mại điện tử Portmart và sàn giao dịch điện tử tỉnh Tiền Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, Chương trình OCOP tác động lớn đến tổ chức sản xuất. Nếu trước đây, người dân nông thôn chỉ sản xuất hướng đến tiêu thụ trong huyện, trong xã thì hiện nay khi thực hiện OCOP người dân đã thay đổi tư duy hướng đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Điều đó giúp cho phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực nông thôn, nhất là kinh tế hộ gia đình góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tạo nền tảng cho công tác xây dựng và duy trì các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

Huyện Gò Công Tây tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 có 70 sản phẩm OCOP, trong đó mỗi năm phải có 10 sản phẩm OCOP. Để làm được điều này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân và nâng cao năng lực chấm điểm.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/huyen-go-cong-tay-san-pham-ocop-gop-phan-giu-vung-tieu-chi-nong-thon-moi-994741/