Sản phẩm OCOP Bắc Giang: Động lực thúc đẩy kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn

Nhờ thực hiện hiệu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bắc Giang đã gặt hái được một số kết quả nổi bật, đặc biệt góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo.

Người dân Bắc Giang làm mỳ Chũ. (Nguồn: Lao động)

Người dân Bắc Giang làm mỳ Chũ. (Nguồn: Lao động)

Gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa

Xuất phát từ những tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh Bắc Giang, những năm qua, được sự tham gia của các cấp, ngành, hệ thống chính trị, Chương trình OCOP triển khai trên địa bàn tỉnh đã thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách để phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 33 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao (trong đó có 29 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại và thực hiện nâng sao).

Về số lượng sản phẩm từng địa phương, tính đến tháng 8/2023, đã có 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP được công nhận. Nhiều nhất là Lục Ngạn có 40 sản phẩm (10 sản phẩm 4 sao; 30 sản phẩm 3 sao); thấp nhất là huyện Sơn Động có 7 sản phẩm được công nhận (7 sản phẩm 3 sao).

Các sản phẩm OCOP được công nhận phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai… hay gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo…

Các sản phẩm được công nhận OCOP đều có đầy đủ minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như: ISO 22000; HACCP; VietGAP; Global GAP… Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa.

Câu chuyện về phát triển gà đồi Yên Thế góp phần xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Yên Thế là ví dụ điển hình nhất. Cùng với cây chè, gà đồi Yên Thế được huyện xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi gà hiệu quả.

Mô hình của gia đình ông Nguyễn Đình Quý ở thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm là minh chứng cho điều này. Ông Quý cho biết, việc tham gia đề án phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu. Riêng với gia đình ông, hàng năm cung cấp ra thị trường từ 10-15 nghìn con gà thương phẩm. Với giá bán hiện nay, mỗi năm ông thu trên 500 triệu đồng tiền lãi.

Từ nhiều năm nay, Bắc Giang đã hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn, chất lượng không ngừng được nâng lên. Nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước gồm: Trung Quốc, Lào và Singapore.

Năm 2022, Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận Gà đồi Yên Thế là món ăn được chọn vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022).

Song song với đó, một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Bắc Giang như vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia. Một số sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba như: Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông.

Phát triển gà đồi Yên Thế góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Phát triển gà đồi Yên Thế góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Tiếp tục phát triển và lan tỏa Chương trình OCOP

Để phát triển và lan tỏa Chương trình OCOP trên khắp địa bàn tỉnh, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể với trên 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hòa Bình… và một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện, siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử.

Tỉnh cũng đã vận dụng cơ chế, chính sách khác nhau hỗ trợ chủ thể sản xuất bổ sung các nội dung khác về chất lượng, bao bì, nhãn mác, đảm bảo theo yêu cầu của bộ tiêu chí phân hạng các sản phẩm OCOP. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Hướng chủ thể phát triển sản phẩm của địa phương với niềm tự hào với quê hương, bản xứ.

Không chỉ thế, Bắc Giang tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh theo hướng liên kết sản xuất.

Đặc biệt, phát huy lợi thế vốn có là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội với 27 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, khoảng gần 60 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và hàng trăm sản phẩm địa phương. Tỉnh tập trung vào phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng; sản phẩm có lợi thế so sánh, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch. Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng theo hướng nâng cao chất lượng, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gia tăng giá trị lớn, sức cạnh tranh cao và có khả năng xuất khẩu.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 350-400 sản phẩm OCOP; trong đó, khoảng 3-5 sản phẩm 5 sao; 50-60 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Đồng thời, phát triển thêm 2-3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, sản phẩm đạt 90-100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho hay, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ chủ thể phát triển hoàn thiện sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn các huyện, thành phố.

Xuân Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/san-pham-ocop-bac-giang-dong-luc-thuc-day-kinh-te-khu-vuc-nong-nghiep-nong-thon-243207.html