Sản phẩm nghệ ở Tây Nguyên: Chưa có người mua

Hiện hàng trăm hecta cây nghệ tại các huyện trên địa bàn Gia Lai sắp đến ngày thu hoạch nhưng lại không biết bán cho ai? Việc này khiến cho nông hộ đang đứng ngồi không yên, loay hoay tìm đầu ra cho cây nghệ.

Nông hộ ào ạt tăng diện tích

Hàng trăm hecta cây nghệ của người dân tại các tỉnh Tây Nguyên đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch nhưng lại không biết bán cho ai? Việc này khiến cho nông dân đang đứng ngồi không yên, loay hoay tìm đầu ra cho loại nông sản này...

Thực tế cho thấy, thời gian qua tại một tỉnh khu vực Tây Nguyên và các vùng miền khác rộ lên việc trồng cây dược liệu. Thế nhưng, trong quy hoạch định hướng của chính quyền địa phương chưa có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu rõ ràng, dẫn đến người dân trồng theo phong trào, mạnh ai nấy làm. Chính việc trồng cây nguyên liệu khi chưa định hướng được đầu ra dẫn đến việc khi thu hoạch thì không biết bán cho ai, giá thế nào?

Làm thể nào để ổn định cho đầu ra nông sản, vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với ngành nông nghiệp

Đơn cử, gần đây tại Gia Lai nổi lên phong trào trồng cây nghệ. Theo đó, hàng trăm hecta nghệ được các nông hộ trồng khắp các địa phương như Đức Cơ, Đăk Đoa, Chư Pưh… với hy vọng cải thiện được đời sống, và có thu nhập cao hơn so với một số nông sản khác. Thế nhưng, đến vụ thu hoạch thì không biết bán cho ai. Điển hình, khi về huyện Đức Cơ (Gia Lai), đâu đâu cũng thấy những rẫy nghệ được trồng chuyên canh, hoặc trồng xen canh trong các rẫy cà phê, cao su mới trồng.

Theo một lão nông huyện Chư Pưh (Gia Lai), trước đây trồng hồ tiêu, trồng cây họ đậu. Song do hồ tiêu bị chết vì nhiễm bệnh. Đang phân vân chưa biết trồng cây gì để có thu nhập ổn định, chứ trồng lại hồ tiêu thì không được vì quá rủi ro. Qua tìm hiểu mô hình trồng nghệ tại các địa phương khác, thấy loại cây này dễ trồng, không kén đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định mua 2 tấn nghệ giống về trồng. Hiện cây nghệ phát triển rất tốt, tỷ lệ sống gần như 100%. Thấy cây phát triển, gia đình rất mừng. Thế nhưng gần đây, giá nghệ trên thị trường đang rớt giá từ 8.000 đồng/kg xuống còn không đến 3.000 đồng/kg. Nghe đâu không có người mua mới sợ. Sắp thu hoạch, song sau khi nghe những thông tin này đang lo ngay ngáy, chưa biết tính thế nào?

Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Kiên, xã Ia Din (huyện Đức Cơ) thấy nhiều nông hộ đổ xô trồng nghệ, ông Kiên đầu tư trồng 4ha. Trong đó, có 1ha chuyên canh và 3ha trồng xen trong cao su. Ông Kiên cho hay, trước đây tận dụng luống giữa các lô cao su, gia đình trồng lúa rẫy thế nhưng hiệu quả không cao. Gần đây, thấy nhiều người trồng nghệ dược liệu nên bỏ trồng lúa chuyển sang trồng nghệ xen canh. Hiện cây cao su còn nhỏ nên việc trồng xen cây nghệ không bị ảnh hưởng, có đủ ánh sáng để nghệ phát triển tốt. Nhưng gần đây, có thông tin sau khi thu hoạch nghệ lại không có người mua… Giờ chưa biết tính thế nào?

Đặc điểm của cây nghệ là dễ thích nghi với thổ nhưỡng đất trồng, có thể trồng xen canh với nhiều loại cây công nghiệp nên nhiều nông hộ không ngần ngại trồng ào ạt trên diện rộng. Đặc biệt, loài cây này rất khỏe và ít bị bệnh hại.

Theo ước tính của nhiều hộ dân, để trồng một hecta nghệ cần khoảng 1 tấn giống, còn trồng xen canh cao su cần khoảng 7 tạ. Nếu chăm sóc tốt, sau 9 tháng đến một năm, nghệ sẽ cho thu hoạch. Ước tính 1ha sẽ cho thu hoạch khoảng 20-22 tấn nghệ. Với giá bán 8.000 đồng/kg (bằng với giá nhập nghệ giống lúc trồng), trừ chi phí phân bón, tiền giống và công thì lãi được gần 70 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng sắn hay trồng lúa rẫy.

Song sản phẩm chưa biết bán cho ai?

Thế nhưng, hiện hàng trăm hecta cây nghệ tại các huyện trên địa bàn Gia Lai sắp đến ngày thu hoạch nhưng lại không biết bán cho ai? Việc này khiến cho nông hộ đang đứng ngồi không yên, loay hoay tìm đầu ra cho cây nghệ.

Thực tế, nhiều nông hộ trên địa bàn Chư Pưh đang thu hoạch nghệ nhưng chưa bán được. Một người trồng nghệ tại địa phương này cho hay, gia đình đang lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, vì sắp thu hoạch 3.000m2 nghệ nhưng không thấy thương lái nào đến hỏi mua. Sản lượng khoảng 4-5 tấn chứ đâu phải ít. Nếu không tìm được đầu ra, đành phải tự chế biến thành tinh bột nghệ để dùng dần hoặc ai mua thì bán. Nếu vụ này không có đầu ra, chắc chắn sẽ phá bỏ cây nghệ đi, trồng cây khác thôi. Bao nhiêu công sức, tiền vốn đầu tư cả năm, nếu không bán được thì mất trắng gần 50 triệu đồng, cả vốn lẫn công.

Theo UBND xã Ia Din, thời gian qua các mặt hàng nông sản truyền thống như cà phê, cao su, hồ tiêu… bị ảnh hưởng bởi sự bấp bênh về giá. Chính yếu tố này, nông dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như nghệ, khoai lang, các loại cây họ đậu… Hiện nông dân trên địa bàn đã trồng khoảng 15-20ha nghệ. Trước tình hình này, chính quyền cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Đồng thời, khuyến cáo không nên trồng ồ ạt khi chưa có đầu ra ổn định, nhằm tránh thiệt hại và rủi ro.

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/san-pham-nghe-o-tay-nguyen-chua-co-nguoi-mua-68071.html