Sân khấu và nỗi buồn thưa vắng khán giả trẻ

Theo kết quả khảo sát mà Nhà hát Tuổi trẻ vừa cung cấp, có 40% SV các trường không biết Nhà hát Tuổi trẻ ở đâu, 16% SV không biết Nhà hát Tuổi trẻ "là ai”, 84% SV biết đến Nhà hát Tuổi trẻ, muốn đến Nhà hát Tuổi trẻ nhưng lại chưa đến bao giờ.Tuy nhiên, không phải chỉ một mình Nhà hát Tuổi trẻ "gặp hạn”, mà đáng buồn: Đó là tình trạng phổ biến.

Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều nỗ lực kéo khán giả tới rạp

Khán giả trẻ ít đến rạp hát

Nhà hát dành cho giới trẻ, nhưng lại đang tồn tại "vành đai trắng” khán giả trẻ. Hiện Nhà hát Tuổi trẻ đang thực hiện dự án rất hay là chiếu miễn phí 100 buổi vở "Mùa hạ cuối cùng” của Lưu Quang Vũ cho học sinh, sinh viên (HSSV) các trường đại học, THPT trên địa bàn Hà Nội. Nhưng ngay cả khi diễn miễn phí, Nhà hát này cũng vẫn vừa làm vừa… run, bởi lo lắng không biết các SV và nhà trường có "yêu” mình để có thể "đi” hết dự án. Trong khi SV được đánh giá là đối tượng khán giả tiềm năng nhất của sân khấu trong tương lai thì nay, hầu hết họ gần như chưa hề bước chân vào Nhà hát. Cứ đà này, xem ra, 20 năm nữa, khi những khán giả (rất ít ỏi) của sân khấu Việt (chính xác hơn là sân khấu phía Bắc) hiện nay dần mất đi, thì sân khấu sẽ không còn khán giả…

Trong buổi gặp gỡ báo chí thông tin về Dự án diễn 100 suất miễn phí vở "Mùa hạ cuối cùng” cho HSSV Thủ đô mới đây, NSƯT Chí Trung - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng là đạo diễn của vở kịch và là người đóng góp tích cực trong Dự án này phải thống thiết giãi bày về tính bức thiết, tầm quan trọng của Dự án. Anh cho biết: Theo điều tra của Nhà hát Tuổi trẻ thì hiện khán giả thuộc khối văn phòng chiếm lượng lớn nhất của Nhà hát này, khán giả là tiểu thương và khán giả nhí chiếm tỉ lệ nhỏ. Riêng tỉ lệ khán giả là HSSV của Nhà hát thì hoàn toàn là "vành đai trắng”. "Chúng tôi không có liên hệ với hầu như tất cả các trường đại học, THPT” - NSƯT Chí Trung cho biết.

Thực tế, chẳng riêng Nhà hát Tuổi trẻ, hiện trạng "trắng” khán giả trẻ tồn tại ở khắp các nhà hát của miền Bắc. Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: Một thống kê cho thấy, SV ở các tỉnh về học đại học ở Hà Nội, trong 4 - 5 năm học của mình, rất nhiều bạn chưa một lần bước chân vào một nhà hát nào.

Nghe thì thấy giật mình. Nhưng hiện thực này lại hoàn toàn không hề lạ lẫm. Chính ông Trương Nhuận từng phát biểu trong một cuộc họp gần đây của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, có một thực tế đáng buồn của sân khấu phía Bắc mà ai cũng hiểu: Khán giả của sân khấu vẫn chủ yếu là "khán giả bao cấp”. Nghĩa là các buổi biểu diễn của sân khấu chủ yếu bán vé cho các cơ quan, tổ chức để các cơ quan này phát vé cho các nhân viên đi xem chứ không phải khán giả "thực” - khán giả đi xem theo nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cá nhân và tự bỏ tiền ra mua.

Và với riêng SV thì càng có nhiều lí do để không đến với sân khấu, trong đó, lí do "không có điều kiện kinh tế” xem ra không phải là lí do chính yếu. Còn rất nhiều lí do khác rất quan trọng khiến giới trẻ không mấy mặn mà với sân khấu. Trong đó, internet dường như là "mối nguy hại” lớn nhất khi nó khiến giới trẻ không tới nhà hát. Thực tế, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay đã mang đến cho SV quá nhiều lựa chọn giải trí hấp dẫn, phù hợp với giới trẻ hơn là sân khấu - thứ mà hầu hết họ không có thói quen tiếp cận từ nhỏ.

Thêm một lí do quan trọng khác, sân khấu hiện nay đang rất bế tắc, èo uột, thiếu sáng tạo để có thể "đối thoại” được với cuộc sống đương đại đang có quá nhiều thay đổi hiện nay.

Chiếu miễn phí vẫn lo ế

Có lẽ, những người làm Dự án chiếu miễn phí kịch Lưu Quang Vũ cho SV của Nhà hát Tuổi trẻ cũng hiểu không chỉ vì lí do kinh tế khiến HSSV "ngoảnh mặt” với sân khấu. Còn có lí do khác là các bạn trẻ không có tình yêu đối với sân khấu bởi không hề được xây dựng từ khi còn nhỏ. Đương nhiên, khi còn nhỏ, nếu không có thói quen đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật thì khi lớn lên cũng sẽ không có thói quen ấy.

Nhưng HSSV chính là những khán giả rất tiềm năng của sân khấu bởi tương lai họ sẽ là những người có điều kiện kinh tế, xã hội để nuôi dưỡng thói quen đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật. Nên dù biết rằng "hạ giá, miễn phí là điều ngu xuẩn nhất trong giới thiệu mặt hàng kinh doanh” và "chúng tôi thực sự không muốn điều đó”, nhưng Nhà hát Tuổi trẻ vẫn cố gắng thực hiện Dự án diễn kịch miễn phí cho SV. Họ hi vọng, đây sẽ là việc làm hữu ích trong việc xây dựng thói quen đến nhà hát của SV, xóa đi "vành đai trắng” khán giả trẻ tại các sân khấu hiện nay.

Nhưng dù hi vọng thế, những người thực hiện Dự án vẫn rất lo lắng và không dám tự tin khẳng định có thể hoàn thành Dự án này. "Chúng tôi yêu các bạn ấy, muốn mang nghệ thuật kịch đến với các bạn ấy, đưa các bạn ấy vào Nhà hát. Nhưng tình yêu phải đến từ cả anh và ả thì mới thành tình yêu. Còn nếu khán giả trẻ họ quyết chỉ xem xiếc, pop, rock… không xem kịch thì chúng tôi có yêu họ đến mấy cũng chịu” - NSƯT Chí Trung ngậm ngùi chia sẻ.

Hiểu việc gây dựng một lớp khán giả trẻ chính là sự sống còn của Nhà hát Tuổi trẻ nên Nhà hát này bên cạnh Dự án nói trên còn đang khởi động một dự án thành lập CLB sân khấu kịch khối các trường đại học do NSND Lê Khanh - PGĐ Nhà hát phụ trách. Trong vài năm qua, Nhà hát còn rất tích cực với dự án Thiên đường tuổi thơ, định kì diễn kịch cho thiếu nhi vào chủ nhật hằng tuần. Tháng 6 vừa qua, NSƯT còn nhọc công xây dựng CLB Những người yêu sân khấu với ưu sách đặc biệt dành cho thành viên CLB là "mua một vé tặng một vé”.

Hi vọng, những nỗ lực của Nhà hát này sẽ góp phần cứu sân khấu Việt khỏi "thảm cảnh” sẽ không còn khán giả trong 20 năm tới.

Hoàng Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71570&menu=1420&style=1