Sân khấu hóa tác phẩm văn học các trường phổ thông tại Hà Nội: Bài 2 - Kỳ vọng nhiều ở đề án

Nhiều học sinh cũng như giáo viên kỳ vọng đề án 'Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông' sẽ góp phần trở thành một phương pháp giảng dạy hiệu quả

Nhiều cách thức đưa văn học đến với học sinh

Với kho tàng văn học khá đồ sộ, từ nhiều năm, nhiều trường học tại Hà Nội đã khá chủ động, sáng tạo trong việc đưa văn học đến gần với học sinh bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn nhiều trường có tổ chức chương trình ngoại khóa theo hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học với các trích đoạn phù hợp. Tại đây học sinh một phần được hóa thân thành nhân vật văn học, sẽ hiểu hơn, nhớ lâu hơn, thậm chí biết phân tích, cảm nhận về diễn biến tâm lý của nhân vật trong tác phẩm. Bên cạnh đó, học sinh được xem, nghe tác phẩm văn học dưới dạng sân khấu cũng dễ nhớ, dế tiếp thu, sống động và hấp dẫn hơn. Có thể kể đến các hoạt động ngoại khóa sôi nổi được học sinh đón đợi như ở trường THPT Phú Xuyên A, THPT Lê Quý Đôn…

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Để hiểu đầy đủ hơn về một tác phẩm văn học, nhiều trường học cũng có các chương trình ngoại khóa khác như đi xem phim, xem kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Chúng ta có rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị được chuyển thể thành phim như Số Đỏ, Vợ chồng A Phủ, Truyện Kiều, Chí Phèo, Làng Đại ngày ấy… những bộ phim này được chuyển thể cũng giúp ích rất nhiều cho cảm thụ văn học của học sinh. Cùng với đó có thể còn có những chương trình tham quan về bảo tàng văn học, khu lưu niệm, trưng bày tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ ở quê nhà cũng giúp những buổi học ngoại khóa của học sinh thêm phong phú, cung cấp thêm nhiều kiến thức hữu ích xung quanh sự nghiệp tác giả, tác phẩm. Từ đó học sinh có thêm niềm say mê với văn học.

Một hình thức khác để học sinh thêm gần gũi và hiểu thêm về tác phẩm văn học trong nhà trường mà một số trường đã và đang làm là mời nhà văn về giao lưu. Những nhà văn này có thể là chính tác giả có tác phẩm được giới thiệu trong sách giáo khoa, hoặc là bạn bè gần gũi, có hiểu biết, có nhiều kỷ niệm, hay có những công trình nghiên cứu sâu về nhà văn có tác phẩm trong sách giáo khoa. Với hình thức này, những câu hỏi giao lưu và tương tác giữa nhà văn với học sinh khá thú vị và cũng để lại nhiều hiệu quả cũng như dư âm của một buổi ngoại khóa.

Tuy nhiên, hình thức nào thì cũng đều có ưu và nhược điểm khi phải phụ thuộc vào ngoại cảnh. Chẳng hạn ngoại khóa đi xem phim, tham quan phải được chuẩn bị kỹ lưỡng như một chuyến du lịch với sự sắp xếp chặt chẽ. Hình thức này cũng không thể diễn ra thường xuyên được nếu không muốn nói một năm chỉ có thể tổ chức được 1,2 lần. Giao lưu với các nhà văn cũng vậy, rất khó trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi trường. Do đó, việc mỗi trường chủ động "Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông" như đề án vừa được UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt là khả thi hơn cả.

Kỳ vọng ở đề án

Theo đề án thì những nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sẽ dàn dựng và biểu diễn tại trường học. Các nghệ sĩ cùng với nhà trường tuyển chọn, hướng dẫn giáo viên và học sinh kết hợp biểu diễn. Như vậy, việc tuyển chọn và biểu diễn sẽ được thực hiện trong môi trường khá chuyên nghiệp, có sự hướng dẫn bài bản, chuyên môn, không phải hình thức tự phát, tùy chọn.

Điều đáng mừng nữa là, nếu đề án đi vào thực hiện thì hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học trong nhà trường sẽ trở nên thường xuyên, được diễn ra đồng đều ở các trường học. Rất có thể đó sẽ là hạt nhân để học sinh hiểu và thêm yêu loại hình nghệ thuật sân khấu. Với việc đồng sáng tạo của học sinh khi chuyển thể tác phẩm của nhà văn lên sân khấu học sinh sẽ bộc lộ năng khiếu cũng như gieo vào các em sự đam mê với sân khấu, cách thức chuyển thể từ văn học lên sân khấu. Như vậy văn học trong nhà trường không chỉ là môn học nhiều chữ, ghi chép, thậm chí học thuộc lòng hay sử dụng văn mẫu mới có điểm cao và văn học có thể trở thành nhân tố để định hướng nghề nghiệp cho nhiều học sinh có năng khiếu, tố chất để trở thành những văn nghệ sĩ tương lai của Thủ đô.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Thành phố Hà Nội đã xác định GD&ĐT là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (bên cạnh y tế và văn hóa). Đề cập đến giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng từng đề nghị, Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, nhất là vấn đề chất lượng trong giáo dục. Ngoài ra, cần có kế hoạch, chiến lược để giải quyết từng vấn đề cụ thể trong giáo dục và có giải pháp thực hiện chiến lược phát triển cho từng khối, từng khu vực. Phát triển hơn nữa phương diện con người và thực hiện kết nối giáo dục với các không gian văn hóa, công viên thể thao, thư viện, bảo tàng… sẵn có để phát triển chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Bởi vậy, nhiều học sinh cũng như giáo viên kỳ vọng đề án "Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình phổ thông" sẽ góp phần trở thành một phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Đồng thời góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng các em học sinh đến những giá trị chân thiện mỹ, tạo cho Thủ đô những công dân tương lai giàu vốn sống, không vô cảm, nhân văn, thêm yêu và có sức sáng tạo với nghệ thuật.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/san-khau-hoa-tac-pham-van-hoc-cac-truong-pho-thong-tai-ha-noi-bai-2-ky-vong-nhieu-o-de-an-202211022130126.htm