Sân khấu hóa tác phẩm văn học: Am hiểu thể loại, chắt lọc kỹ nội dung

Thực tế cho thấy, khi một đoạn trích hoặc nội dung tác phẩm văn học được sân khấu hóa sẽ khiến HS hào hứng hơn, dễ tiếp nhận ý nghĩa bài học.

Hội thi sân khấu hóa các tác phẩm văn học tại Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) được tổ chức hằng năm. Ảnh: TG

Học sinh đóng vai trò trung tâm

Là người trực tiếp hướng dẫn học trò xây dựng kịch bản, cô Nguyễn Hằng Nga – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) đánh giá cao ý nghĩa, vai trò hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học. Hoạt động này được tổ Ngữ văn của trường áp dụng trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

“Trong không gian lớp học, các em chủ động xây dựng kịch bản một tác phẩm văn học để có thể diễn thành kịch dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Ví dụ, đoạn trích trong tác phẩm Chí phèo của nhà văn Nam Cao mang đến thông điệp về tình người trong gian khó của những thân phận dưới đáy xã hội phong kiến nửa thực dân. Học sinh nhập vai rất khéo nhưng cũng đầy cảm xúc.

Hằng năm, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, tổ Ngữ văn tổ chức một chuyên đề tại sân khấu của trường. Nội dung vở diễn là các tác phẩm văn học trong chương trình. Cả cô và trò đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên khá hào hứng”, cô Nga nói.

Để chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa phù hợp, học sinh sẽ chọn cả tác phẩm hoặc đoạn trích văn học trong chương trình. Chia sẻ thông tin, thầy Nguyễn Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B cho hay: Các em dành thời gian tìm hiểu đặc điểm, tính cách nhân vật và diễn sao cho sát ý nghĩa tác phẩm. Nhờ đó, tác phẩm văn học trở nên sống động, học sinh dễ tiếp thu nội dung bài học. Đây là phương pháp mới trong dạy học theo hướng phát triển năng lực. Học sinh sẽ đóng vai trò trung tâm và chủ động tìm hiểu tác phẩm.

Không chỉ với cấp THPT ngay cả tiểu học, những bài học về đạo đức lối sống, cách ứng xử giữa con người cũng được các thầy cô truyền tải thông qua hình thức sân khấu hóa. Cô Nguyễn Thị Nguyệt – nguyên giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Thủy An (Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, để học sinh thêm hứng thú với bài học, cô tìm tòi, nghiên cứu cách để các em diễn tiểu phẩm ngắn liên quan đến bài học.

Ví dụ, trong bài học “Cáo và Quạ – The Fox and The Crow”, học sinh nhận biết được tốt xấu, khen và chê ai, tại sao? hành động lười nhác, tham lam sẽ bị chế giễu. Để đạt hiệu ứng tốt, giáo viên phải nghĩ thật nhiều tình huống cho học sinh đóng vai, giúp các em nhớ lâu kiến thức.

Cô Lê Thị Ngọc Quỳnh – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Ngô Quyền (TP Hải Phòng) và học sinh. Ảnh: TG

Thầy cô phải hiểu biết văn hóa dân tộc

Là đơn vị tổ chức thành công hội thi sân khấu hóa các tác phẩm văn học mỗi năm học, cô Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, đây là sân chơi bổ ích, hấp dẫn với học sinh.

Trong đó có thể kể tới các tác phẩm được học sinh yêu thích lựa chọn như “Thầy bói xem voi” - mang đến tiếng cười sảng khoái cùng những bài học nhẹ nhàng, ý nghĩa về cuộc sống, sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau; “Bài học đường đời đầu tiên” trích “Dế Mèn phiêu lưu ký” - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài nhẹ nhàng mà sâu lắng…

“Mang tác phẩm văn học trong nhà trường đến gần hơn với học sinh luôn được thầy cô trăn trở. Sân khấu hóa tác phẩm văn học là hướng đi phù hợp, sáng tạo mà nhà trường có thể triển khai hiệu quả trong các tiết học Ngữ văn. Hội thi sân khấu hóa tác phẩm văn học trong nhà trường giúp học sinh hiểu về các tác phẩm đã được học, từ đó thêm yêu và cảm nhận tác phẩm đầy đủ hơn. Hoạt động đã mang đến một làn gió mới, một tín hiệu tốt mà các em dành cho môn Ngữ văn nói chung và tác phẩm văn học nói riêng”, thầy Khắc Tú - Trường THCS Chương Dương nói.

Cùng quan điểm trên, cô Lê Thị Ngọc Quỳnh – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Ngô Quyền (TP Hải Phòng) nhìn nhận, thay vì cô giảng trò chép, học sinh trở thành người dẫn dắt, phân tích những giá trị tác phẩm văn học dưới hình thức sân khấu hóa/thuyết trình/thảo luận nhóm... để nêu bật ý nghĩa, sức lan tỏa của bài học. Đây là phương pháp giảng dạy tiếp cận chương trình mới, nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh phát huy khả năng một cách chủ động.

Từ năm học 2022 - 2023, tổ Ngữ văn của trường đã triển khai chuyên đề Sân khấu hóa Văn học dân gian ở khối 10. Trong các giờ học chuyên đề, giáo viên lên kế hoạch từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cụ thể cho nhóm học sinh. Các em sẽ tự tìm hiểu về thể loại như dân ca, chèo, ca trù... Tùy từng học sinh và mức độ hứng thú với hình thức sân khấu hóa, cô giáo sẽ định hướng để chọn loại hình phù hợp để sân khấu hóa.

Trước đây, cô Quỳnh đã dựng kịch bản về tác phẩm “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu để học sinh trải nghiệm. Trong mỗi lớp, cô phải tìm ra những “hạt nhân” văn nghệ, có khả năng và yêu thích ca hát, cảm hứng để giúp cả nhóm tiếp cận tác phẩm văn học theo cách khác.

“Khi học sinh thích sẽ tự tập luyện hăng say. Cô cũng góp ý, chỉnh sửa để các em báo cáo bằng những sản phẩm, vở diễn cụ thể trên lớp. Dù vậy, nếu muốn triển khai đại trà hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học cũng cần tính toán kỹ bởi theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ có định hướng nghề nghiệp khác nhau. Bản thân giáo viên phải có tầm hiểu biết, yêu thích các loại hình văn hóa dân tộc mới có thể truyền cảm hứng tới học sinh. Đó là chưa kể thời gian tập luyện ngoài giờ học của cả cô và trò để cho ra một sản phẩm ý nghĩa”, cô Ngọc Quỳnh tâm sự.

Hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học chỉ nên áp dụng ở nơi có đủ điều kiện, trong đó có cả yếu tố thời gian và kinh phí. Mô hình sân khấu hóa phù hợp với chuyên đề nhỏ về văn học dân gian ở lớp 10, chứ không triển khai đại trà và thường xuyên. Ví dụ, để truyền tải thông điệp về tác hại rượu bia, học sinh có thể đóng kịch thông qua hình tượng nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. - Thầy Nguyễn Quang Hưng (Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng)

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/san-khau-hoa-tac-pham-van-hoc-am-hieu-the-loai-chat-loc-ky-noi-dung-post662459.html